Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Kinh nghiệm nuôi rắn Ri Voi

Kinh nghiệm nuôi rắn Ri Voi


Kinh nghiệm nuôi rắn Ri Voi by ST | Kinh nghiem nuoi ran ri voi

Rắn ri voi là một loài động vật hoang dã phân bố chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng từ vài năm trở lại đây do việc đánh bắt quá mức của người dân nên số lượng rắn ri voi trong tự nhiên giảm nhiều, dẫn đến giá rắn rắn thịt tăng cao. Do đó, phong trào nuôi rắn ri voi thương phẩm hình thành và phát triển ở nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là trên địa bàn huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp.


- Một trong những mô hình nuôi rắn đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành đó là hộ của anh Đồng Minh Tâm ấp Tân Thuận - An Phú Thuận - Châu Thành - Đồng Tháp.

- Anh Tâm cho biết, cách đây 4 năm anh đi đặt dớn được 4 con rắn ri voi, đem về bỏ trong xô nhựa 60lít nuôi thử. Thấy chúng dễ nuôi, nhanh lớn và ít bệnh nên anh mới nảy sinh ý định nuôi rắn. Sau một năm rắn bắt đầu sinh sản được 14 con rắn con. Sau đó, anh xây bể ximăng để nuôi tiếp, diện tích bể nuôi là 12 m2, chiều cao bể 1,4m. Đến năm 2009 tổng đàn rắn của anh lên con số 160 con. Anh tiếp tục xây thêm 2 bể ximăng mỗi bể 35m2 và thả nuôi với mật độ 2 con/m2. Sau 1 năm nuôi anh thu hoạch được 100kg rắn bán thịt (loại lớn hơn 1,1kg/con) với giá bán 600.000đ/kg, anh thu được 60.000.000 đồng, sau khi trừ chi phí (gồm thức ăn 7.000.000 đồng, xây bể 11.000.000 đồng, thuốc 200.000 đồng, không kể tiền giống) thì anh còn lãi được 41.800.000 đồng. Anh để lại khoảng 70 rắn bố mẹ cho sinh sản, với số lượng rắn bố mẹ này anh dự tính đến năm 2012 có thể cho ra được 500 rắn con.

- Về nơi nuôi duỡng:
+ Bể nuôi cần phải gần nguồn nước sạch để thuận tiện cho việc cấp nước.
+ Xây bể xi măng có độ nghiêng về phía cống thoát để dễ dàng thay nước và vệ sinh bể. Cần tạo điều kiện sống cho rắn gần giống như trong tự nhiên bằng cách: trong bể cho vào 0,1- 0,2m là đất thịt hay đất bùn, thả lục bình (½ diện tích bể) và trồng cỏ để che bớt nắng, tạo nơi cho rắn chui rút và tránh gió. Cho nước vào bể 0,6-0,8m và thả rắn vào nuôi.

- Về con giống và mật độ nuôi:
+ Tốt nhất là chọn loại con giống mới đẻ, cỡ 50-60 con/kg và chọn rắn đồng cỡ, không bị xây sát.
+ Mật độ có thể thả 5 – 7 con/m2, mật độ càng thưa thì càng ít bệnh

- Về chăm sóc và cho ăn:
+ Nguồn thức ăn chủ yếu của rắn là cá trê, lươn, ếch…tùy theo cỡ miệng của rắn mà cho thức ăn phù hợp, theo kinh nghiệm của anh thì trung bình 4 - 5 kg thức ăn rắn tăng trọng 1 kg.
+ Nên thường xuyên thay nước cho rắn 5 - 7 ngày/lần.
+ Nên bỏ thêm lá chuối khô để rắn vào trú khi lột da và khi đẻ dễ dàng thu hoạch rắn con.
+ Nên định kỳ 15 – 20 ngày xử lí môi trường nước như: vôi, BKC… để phòng bệnh cho rắn.
+ Sinh sản: Chọn rắn bố mẹ cỡ 0,7 – 0,8 kg/con trở lên. Thời gian rắn tham gia sinh sản bắt đầu từ khoảng tháng 7 – 9 âm lịch. Khác với một số loài rắn khác, rắn ri voi đẻ con, sức sinh sản của rắn cái từ 7 - 12 con/lần, tùy theo trọng lượng của rắn cái. Rắn con sau khi nở 1 ngày tuổi là có thể sử dụng cá con cỡ nhỏ như cá lòng tong cho rắn ăn.
+ Các bệnh thường gặp trên rắn như: bệnh đẹn, nóng sốt… theo anh thì khi rắn bệnh nên bắt riêng ra để tránh lây cho rắn khỏe, dễ theo dõi và điều trị. Vì vậy người nuôi phải thường xuyên theo dõi hoạt động của rắn khi có biểu hiện bất thường để kịp thời xử lí.

- Một số khó khăn gặp phải khi nuôi trong giai đoạn hiện nay:
+ Con giống rất khó tìm vì hiện có rất ít cơ sở cho sinh sản được rắn ri voi với qui mô lớn. Hầu hết những người cho rắn sinh sản được đều giữ lại để nuôi.
+ Vốn đầu tư ban đầu về xây dựng bể và con giống khá lớn.
+ Tỉ lệ hao hụt cao 10 – 20 % do rắn tập tính sống hoang dã nên khó kiểm soát.

- Anh Tâm cho rằng: mô hình nuôi rắn ri voi dễ nuôi, ít bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn chưa được nhiều bà con nông dân trong huyện áp dụng vì con giống ít, giá con giống cao (giá hiện nay 40.000 đồng/con), nhiều người chưa nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi nên chưa mạnh dạn đầu tư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến