Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Kỹ thuật nuôi cá Lóc Đầu Nhím trên bể xi măng

Kỹ thuật nuôi cá Lóc Đầu Nhím trên bể xi măng


Kỹ thuật nuôi cá lóc đầu nhím trên bể xi măng by ST | Ky thuat nuoi ca loc dau nhim tren be xi mang

I. Đặc điểm sinh học
1. Ðặc điểm hình thái
Vây lưng có 40 - 46 vây; vây hậu môn có 28 - 30 tia vây, vảy đường bên 41 - 55 cái. Ðầu cá quả O.maculatus có đường vân giống như chữ "nhất" và 2 chữ bát còn đầu cá O.arbus tương đối nhọn và dài giống như đầu rắn.


2. Phân bố và tập tính sống
- Ngoài tự nhiên cá lóc phân bố ở nhiều loại thủy vực nước ngọt, lợ. Chúng có mặt ở sông, kênh rạch, ao, đầm lầy, ruộng, đìa… Cá thích sống nơi có thực vật thủy sinh (rong, cỏ, bèo…) để thuận lợi cho việc rình và bắt mồi.

- Cá có thể sống trong cả môi trường nước ngọt và lợ (8 - 12‰), độ pH thích hợp 6,3 – 7,5, nhiệt độ phù hợp cho tăng trưởng của cá 25 – 30 độ C. Cá thường trú ẩn trong lùm cây cỏ.

- Đặc biệt, nhờ vào cấu tạo thích nghi của cơ quan hô hấp, sự phát triển của cơ quan hô hấp phụ trên mang, ngoài việc sử dụng oxy có trong nước, cá còn có khả năng lấy oxy trực tiếp từ ngoài không khí (khí trời).
- Cá có thể sống trong môi trường chật hẹp, trong điều kiện nước dơ bẩn, nước tù, thiếu oxy. Đây cũng là ưu thế để phát triển các mô hình nuôi thâm canh trong ao, vèo và bể bạt...

3. Đặc điểm dinh dưỡng
- Cá mới nở sử dụng dinh dưỡng từ khối noãn hoàng trong 3 ngày. Từ ngày thứ 4 - 5, khi noãn hoàng đã hết, cá bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài là các loài động vật phù du kích cỡ nhỏ vừa với cỡ miệng chúng (luân trùng, trứng nước) hay lòng đỏ trứng. 5 - 7 ngày sau cá có thể ăn trùn chỉ hay thức ăn tổng hợp dạng bột.

- Khi cá lóc đạt chiều dài khoảng 5 - 6 cm thì có thể rượt bắt các loại cá, tép con có kích cỡ nhỏ hơn. Khi cá có chiều dài trên 10cm thì khả năng rình bắt mồi rất tốt và có tính ăn như cá trưởng thành.
- Cá lóc là động vật ăn thịt, có tập tính rình bắt mồi. Trong điều kiện nuôi, cá quen dần với việc ăn thức ăn tĩnh, cá ăn được nhiều loại thức ăn: cá biển, phụ phế phẩm của nhà máy chế biến, phế phẩm từ lò mổ gia súc, gia cầm và thức ăn viên tổng hợp.

4. Đặc điểm sinh trưởng
- Giai đoạn nhỏ, cá tăng chủ yếu về chiều dài. Cá càng lớn thì sự tăng trọng càng nhanh.

- Trong tự nhiên, sức lớn của cá không đều, phụ thuộc vào thức ăn sẵn có trong thủy vực, do vậy tỉ lệ sống trong tự nhiên của cá thấp.

- Trong ao nuôi, có thức ăn đầy đủ và chăm sóc tốt thì tỉ lệ sống của cá cao và đạt trọng lượng trung bình 0,5 - 0,8 kg/con sau 6 - 8 tháng (cá lóc đen và lóc bông); 0,6 - 0,7kg/con sau 3,5 - 4 tháng (cá lóc môi trề và đầu nhím).

II. Một số loài cá lóc phổ biến ở Việt Nam
1. Cá lóc đen
- Mô tả: Cơ thể hình lăng trụ, đầu dẹp, đuôi tròn. Lưng và hai bên hông sậm màu với những đốm đen và màu gạch, bụng màu trắng; đầu to như đầu rắn, gãy khúc, miệng có đủ răng, vảy rất lớn.

- Sinh học: Sống ở miền nhiệt đới, trong môi trường nước ngọt và nước lợ, ở tầng giữa. Độ pH: 7.0 – 8.0; độ cứng: 20; nhiệt độ: 23 – 27 độ C. Thức ăn bao gồm cá, ếch nhái, rắn, côn trùng giun đất, nòng nọc và động vật giáp xác. Di cư từ sông Mekong vào các vùng nước xung quanh, xâm nhập vào vùng ngập lũ theo mùa và trở về nơi cư trú khi mùa khô đến. Cá sống sót qua mùa khô bằng cách tự chôn mình vào bùn ở đáy hồ, kênh và đầm lầy để giữ ẩm cho phổi và tiêu thụ chất béo dự trữ trong cơ thể.

- Nơi sống và sinh thái: cư trú ở ao hồ, các nhánh sông vừa và nhỏ, suối, vùng ngập lũ và các con kênh chảy chậm; ưa thích các cánh đồng nước đục và có bùn; sống trong đầm lầy và các con sông miền đồng bằng. Thường xuất hiện ở độ sâu 1 - 2 m, nước tĩnh.

- Phân bố: Việt Nam: cả ba miền; Thế giới: trải dài từ Pakistan đến miền nam Trung Quốc.

2. Cá chuối
- Sinh học: sống ở miền nhiệt đới, trong môi trường nước ngọt, ở tầng giữa. Thức ăn gồm động vật giáp xác, côn trùng cỡ lớn, ếch nhái và cá.


- Nơi sống và sinh thái: Cư trú nơi có đáy bùn và thực vật nổi ở sông hay hồ.

- Phân bố: Việt Nam: miền Bắc, lưu vực sông Hồng; Thế giới: miền Nam Trung Quốc. Loài này cũng du nhập vào Đài Loan, Nhật Bản và Philippin.

3. Cá lóc bông
- Mô tả: Cá trưởng thành có một sọc to và đậm dọc theo thân, cá non có hai sọc màu cam dọc theo thân.


- Sinh học: sống ở miền nhiệt đới, trong môi trường nước ngọt, ở tầng giữa, nhiệt độ thích hợp: 25 - 28 độ C. Thức ăn chủ yếu là cá, đôi khi ăn cả động vật giáp xác.

- Nơi sống và sinh thái: cư trú ở vùng trũng và đầm lầy; sống ở vùng nước sâu; trong các dòng chảy và kênh lớn nước tĩnh hay chảy chậm.

- Phân bố: Việt Nam: đồng bằng sông Cửu Long; Thế giới: Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.

4. Cá lóc môi trề
Đây là loài chưa được mô tả và đặt tên chính thức. Tuy nhiên, cá lóc môi trề được nuôi rất phổ biến ở những vùng ngập lũ như An Giang và Đồng Tháp. Cá lóc môi trề có bề ngoài tương tự như cá lóc đen nhưng đuôi có màu phớt xanh, đặc biệt môi dưới trề ra đặc điểm này lộ rõ ở những cá thể trưởng thành.


5. Cá lóc nhím
Là con lai giữa cá lóc môi trề và cá lóc đen, đây là loài cá được nuôi phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường.


III. Kỹ thuật nuôi
1. Chọn địa điểm nuôi
- Đảm bảo nguồn nước tốt, cấp thoát nước một cách chủ động. Có thể sử hoặc nước ao hồ, sông để nuôi cá, nếu sử dụng nguồn nước ngầm thì tốt nhất nên có bể lọc.

- Bể nuôi nên xây gần nhà để tiện trong việc chăm sóc và quản lý và bảo vệ.

- Chọn những vùng đất ít bị ảnh hưởng của lũ lụt.

2. Xây dựng bể nuôi
- Diện tích bể nuôi từ 10 – 100 m2 tùy theo điều kiện từng gia đình.

- Nếu bể nuôi có diện tích lớn thì nên ngăn ra thành các bể nhỏ để tiện chăm sóc và có thể tách riêng cá theo từng cỡ để nuôi khi cá phân đàn.

- Bể nuôi có độ sâu từ 1 – 1,5 m. Có thể xây bể nổi hoặc bể chìm. Xây bể chìm thì bể sẽ chắc chắn hơn và nhiệt độ nước trong bể nuôi ổn định hơn so với bể nổi hoàn toàn trên mặt đất. Tuy nhiên chỉ xây bể chìm khoảng 1/2 - 1/3 chiều cao của bể, nếu xây chìm quá thì sẽ khó thoát nước và bể nuôi dễ bị ngập khi xảy ra mưa lụt.

- Đáy bể nên nghiêng về cống thoát nước để có thể thoát nước được dễ dàng. Đặt ống thoát nước kết hợp luôn với chống tràn để chống ngập nước khi có mưa lớn.

- Xung quanh bể rào lại bằng lưới hoặc phên tre đan để cá lóc ngăn cá lóc nhảy ra ngoài và tránh bị ngập lụt vào mùa mưa lũ.

- Ao nuôi có thể sử dụng mái che hoặc dùng lưới che để giảm nắng giảm nhiệt độ nước ao nuôi vào mùa nắng.

3. Xử lý bể trước khi nuôi
a) Đối với bể mới xây:
- Dùng phèn chua hoặc dùng thân chuối chát xắt nhỏ cho nước vào đầy bể xi măng và tiến hành ngâm bể từ 7 – 10 ngày để làm sạch xi măng mới.

- Xả nước ngâm ra và cho nước sạch vào để rửa sạch bể rồi ngâm tiếp bể bằng nước sạch.

- Xả nước và rửa lại bể sau đó cho nước mới vào, bón vôi để ổn định pH, đo các yếu tố môi trường nếu phù hợp thì tiến hành thả cá.

- Tốt nhất đối với bể mới xây nên tiến hành thả cá để thử nước. Sau 3 ngày nếu cá thả thử nước vẫn sống tốt thì tiến hành thả giống.

b) Đối với bể cũ:
- Chỉ cần ngâm bể bằng nước sạch 2 – 3 ngày rồi tiến hành chùi rửa sạch sẽ cho nước vào.

- Bón vôi để ổn định và nâng cao pH, tiến hành đo các yếu tố môi trường nếu phù hợp thì tiến hành thả giống.

4. Lựa chọn con giống
- Ngoại hình cá cân đối, vây, vẩy đầy đủ, không xây xát, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không có dấu hiệu nhiễm bệnh.

- Kích cỡ cá thả: Nên thả cá giống đồng cỡ để tránh thả hiện tượng phân đàn, cạnh tranh thức ăn và ăn thịt lẫn nhau. Để hạn chế tỉ lệ hao hụt, người mới nuôi nên thả cá có cỡ khoảng 8 - 10cm.

5. Thả cá giống
- Mật độ thả tùy theo trình độ nuôi của từng gia đình, kích cỡ cá thả, khả năng cung cấp thức ăn ... Tuy nhiên mật độ thả không quá 50 con/m2. Mật độ thả thích hợp từ 10 – 25 con/m2.

- Nên thả cá giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời nắng nóng hoặc trời có mưa to.

- Trước khi thả cá cần ngâm bao cá trong ao từ 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ nước trong bao cá và ngoài ao. Sau đó cho nước từ từ vào bao cá và để cá tự bơi ra ngoài.

- Để phòng bệnh cho cá, trước khi thả cá cần tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2 – 3% (với 10 lít nước ta hoà 2 – 3 lạng) trong thời gian từ 5 – 10 phút. Trong thời gian tắm nước muối cần quan sát hoạt động của cá, nếu cá phản ứng mạnh cần thả cá ra ao.

6. Thức ăn và chế độ cho ăn
a) Thức ăn:
- Cá lóc là động vật thịt, rất háu ăn. Trong tự nhiên cá chỉ ăn các mồi động, có tập tính rình bắt mồi.

- Đối với cá lóc nuôi ta có thể sử dụng các loại thức ăn như sau:
+ Các loại cá tạp giá rẻ, tép nhỏ, cua ốc ngoài ruộng đồng.
+ Nên cho cá ăn thêm thức ăn chế biến để khi không có nguồn cá tạp thì có thể sử dụng thức ăn chế biến để thay thế. Thức ăn chế biến bao gồm: cá tạp (hoặc bột cá), cám gạo, bột bắp, bột sắn với hàm lượng đạm trong thức ăn lớn hơn 20%.
+ Có thể sử dụng tép hoặc khuyết khô để làm thức ăn cho cá nếu không có nguồn cá tạp. Sử dụng thức ăn loại này ít làm bẩn nước nhưng giá thành thức ăn sẽ cao và cá chậm lớn hơn.
+ Có thể sử dụng tép hoặc khuyết khô để làm thức ăn cho cá nếu không có nguồn cá tạp. Sử dụng thức ăn loại này ít làm bẩn nước nhưng giá thành thức ăn sẽ cao và cá chậm lớn hơn.
+ Ngoài ra ở những địa phương có nhiều nguồn phân trâu, phân bò có thể kết hợp nuôi giun quế để làm thức ăn bổ sung đạm cho cá nuôi cũng như các động vật nuôi khác.

b) Chế độ cho ăn:
- Nên cho cá ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát để đảm bảo cho cá phát triển nhanh.

- Thời điểm mới thả giống thức ăn cá tạp cần được xay nhuyễn để vừa với cỡ miệng của cá hoặc hấp chín rồi lấy phần thịt cho cá ăn.

- Khi cá lớn hơn thì chỉ cần cắt cá tạp vừa với cỡ miệng của cá.

- Không sử dụng các loại thức ăn đã ươn thối để cho cá ăn.

- Tốt nhất nên sử dụng sàn ăn để cho cá ăn để có thể điều tiết lượng thức ăn phù hợp và làm giảm ô nhiễm nước trong bể giúp hạn chế thay nước.

- Khẩu phần ăn cho cá hằng ngày sẽ được định lượng cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng ở các giai đoạn phát triển của cá.


- Ngoài ra tùy theo điều kiện sức khỏe của cá, điều kiện thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

7. Chăm sóc, quản lý cá nuôi
- Giữ môi trường nước trong sạch, định kỳ 2 - 3 ngày thay nước một lần.

- Hằng tháng tiến hành cân cá để kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá nuôi.

- Nếu có nhiều bể nuôi nên tiến hành phân cỡ cá nuôi riêng từng bể để đảm bảo cá phát triển tốt, hạn chế cạnh tranh thức ăn.

- Sử dụng lưới hoặc phên tre để rào quanh bể cá nuôi tránh trường hợp cá nhảy ra khỏi bể và ngăn không cho cá thoát ra ngoài khi bị ngập lụt

IV. Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị
1. Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp
- Xử lý bể cẩn thẩn trước khi thả cá để diệt trừ các mầm bệnh trong bể nuôi.

- Chọn mua cá giống chất lượng cao, không mua cá bị bệnh. Tắm cá bằng nước muối để phòng bệnh trước khi thả.

- Cho cá ăn đầy đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức đề kháng của cá.

- Bón vôi và treo túi vôi đầu nguồn nước cấp để phòng bệnh cho cá.

- Duy trì các yếu tố môi trường thích hợp cho sự phát triển của cá nuôi. Chủ động nguồn nước để thay khi môi trường nuôi bị ô nhiễm

2. Một số bệnh thường gặp
a) Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Aeromonas:
* Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Aeromonas gây ra.


* Dấu hiệu bệnh lý
- Dấu hiệu đầu tiên là cá kém ăn, bỏ ăn nổi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá thường đổi màu tối, cá mất nhớt. Xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ trên thân, các gốc vây, quanh miệng, râu xuất huyết hoặc bạc trắng. Xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ, có mùi hôi thối, trên vết loét thường có nấm và kí sinh trùng kí sinh. Mắt lồi đục, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, tia vây cụt dần.

- Cá bị bệnh xoang bụng xuất huyết.

* Phòng và trị bệnh
- Phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

- Trị bệnh:
+ Cá giống dùng phương pháp tắm trong thời gian 1 giờ. Oxytetracyline nồng độ 20 – 50 ppm hoặc Streptomycine nồng độ 20 – 50 ppm.

+ Cá thịt dùng phương pháp trộn vào thức ăn để cho ăn. Sulfamid với liều lượng 150 – 200mg/kg cá/ngày.

b) Bệnh nấm thủy mi:
* Tác nhân gây bệnh: Do các loài nấm thủy mi gây ra.

* Dấu hiệu bệnh lý:
- Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

- Bệnh xuất hiện nhiều ở trong ao nước tù đọng, có nhiều mùn bã hữu cơ, mật độ nuôi dày, cá giống bị xây xát. Vết thương ngoài da do kí sinh trùng, vi khuẩn gây ra.

* Phòng và trị bệnh
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

- Trị bệnh: Tắm bằng formol nồng độ 200 – 300 ppm trong 15 – 30 phút hoặc phun xuống ao, bể nuôi 2 lần/tuần với nồng độ 10 – 20 ppm.

c) Bệnh trùng bánh xe Trichodina:
* Tác nhân gây bệnh
- Xuất hiện ở ao nuôi mật độ cao, môi trường bẩn.

- Hình tròn, vận động như bánh xe quay tròn.

- Ký sinh trên da, mang, gốc vây, xuất hiện mùa mưa, nhiệt độ môi trường thấp.

* Biểu hiện: Có nhớt màu trắng hơi đục, nổi đầu nơi nước chảy, ngứa ngáy, nhô đầu lên mặt nước, lắc mạnh đầu, lờ đờ, đảo lộn, chìm xuống đáy, chết.

* Phòng, trị bệnh:
- Biện pháp phòng: Giữ môi trường nuôi luôn sạch, mật độ nuôi không quá dày.

- Cách điều trị:
+ Dùng Sulphat đồng (CuSO4) ngâm, nồng độ 0,5 - 0,7g/m3 nước hoặc tắm cá, nồng độ 2 - 5 g/m3 nước trong 5 – 15 phút.
+ Dùng muối ăn (NaCl) 2 - 3% tắm cá 5 - 15 phút.

d) Bệnh trùng quả dưa:
* Tác nhân gây bệnh: Do trùng quả dưa Ichthyophthiriosis gây ra.

* Dấu hiệu bệnh:
- Ký sinh trên da, mang và vây, bám tập trung phát triển thành các đám hạt màu trắng, nhìn thấy bằng mắt thường.

- Thường gặp cá giống.

* Biểu hiện: Nổi đầu từng đàn trên mặt nước, bơi lờ đờ do trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở.

* Biện pháp phòng, trị bệnh:
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

- Không nuôi mật độ dày, không thả lẫn với cá khỏe.

- Trước khi thả dùng hỗn hợp muối ăn (NaCl) và thuốc tím (KMnO4) tắm cho cá, liều lượng 7 kg muối ăn + 4 g thuốc tím/m3, tắm cho cá trong 10 - 15 phút.

7. Thu hoạch cá nuôi
- Thu hoạch cá tránh vào những thời điểm nhiều cá đồng để đảm bảo giá cá bán được cao hơn.

- Sau khi nuôi khoảng 4 tháng ta tiến hành thu tỉa những cá lớn (đạt cỡ 0,5 – 0,6 kg/con) thu hoạch.

- Sau 5 tháng nuôi cá đạt được kích thước thương phẩm (0,5 – 0,6 kg/con) ta tiến hành thu hoạch toàn bộ cá trong bể nuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến