Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Kỹ thuật trồng Lạc - Đậu Phộng

Kỹ thuật trồng Lạc - Đậu Phộng


Kỹ thuật trồng lạc - đậu phộng by Khuyến Nông AG | Ky thuat trong lac – dau phong

Đậu phộng, đậu phụng hay còn gọi là lạc, tên khoa học: Arachis hypogaea. Là cây thực phẩm thuộc họ Đậu, có nguồn gốc tại Trung và Nam Mỹ. Cây thân thảo. Lá mọc đối, kép, hình lông chim với bốn lá chét. Kích thước lá chét dài 1 - 7cm và rộng 1 - 3cm. Hoa màu vàng có điểm gân đỏ, cuống hoa dài 2 - 4cm. Sau khi thụ phấn, quả (củ) phát triển, dài 3 - 7cm, chứa 1 - 4 hạt, quả thường dấu xuống đất để phát triển.(Tự điển Wikipdeia)


I.Thời vụ
1. Đất cù lao ven sông
- Vụ Đông Xuân: Thường xuống giống khi nước lũ rút khỏi mặt ruộng, xuống giống tập trung từ ngày 15/11 đến 15/12 dương lịch.

- Vụ Hè Thu trồng vào tháng 4-5 dl để thu hoạch trước khi lũ về.

2. Đất núi (Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn)
- Vụ Đông Xuân: Xuống giống từ tháng 11-12 dl (cuối mùa mưa) nơi có nguồn nước tưới.

- Vụ Hè Thu: Xuống giống vào đầu mùa mưa, là mùa sản xuất chủ lực của những vùng đất này.

- Vụ Thu Đông: Chỉ trồng ở những vùng đất cao, thoát nước tốt. Vụ này thường cho năng suất thấp, chủ yếu sản xuất để giống cho vụ Đông xuân.

II. Đất đai
- Đất thích hợp nhất có pH từ 5,5 – 6,5 để tạo điều kiện cho vi khuẩn nốt sần phát triển tốt.

- Đất phải tơi xốp, cao ráo, thoát nước nhanh để tia đậu phộng dễ đâm vào đất.

III. Kỹ thuật trồng lạc
1. Giống
- Tiêu chuẩn hạt giống: Không lẫn, sạch sâu bệnh. Chọn hạt giống to, mẩy, vỏ hạt sáng, không sây sát, tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Hạt giống khi đem trồng phải bảo đảm cho hạt to đều

- Một số giống đang sản xuất phổ biến và có triển vọng tại An Giang:
a. Giống ĐP25 (Đột biến từ giống Sen lai):
- Thời gian sinh trưởng: 115 – 120 ngày.

- Cây cứng, lá to và xanh đậm.

- Chiều cao cây từ 56 – 60 cm.

- Năng suất 25 – 30 giạ/1.000m2.

- Hạt to đều, vỏ lụa trắng hồng, hạt ít nhăn.

b. Giống Mỏ Két:
- Thời gian sinh trưởng: 95 – 100 ngày.

- Tỷ lệ 3 hạt cao (chiếm 50 - 60 %).

- Vỏ quả có gân nổi rõ, mỏ quả có dạng mỏ két.

- Thị trường đang ưa chuộng.

- Năng suất thấp: 20 giạ/1.000m2.

c. Giống MD 7:
- Chiều cao cây 35 - 40 cm, dạng thẳng đứng.

- Màu sắc thân lá màu xanh đậm, vỏ lụa hồng nhạt.

- Kháng bệnh héo xanh vi khuẩn.

- Năng suất khá: 28 – 30 giạ /1.000m2.

- Thời gian sinh trưởng: 95 – 100 ngày.

d. Giống đậu Vồ (đậu Tàu):
- Nguồn gốc Đông Nam Bộ

- Trái to, vỏ lụa màu hồng.

- Thời gian sinh trưởng: 90 ngày.

- Dạng thân đứng, hạt to.

- Năng suất cao: 30 – 35 giạ/1.000 m2.

e. Giống HL 25:
- Thời gian sinh trưởng từ 88 - 98 ngày.

- Dạng thân đứng, chiều cao trung bình: 48 - 58 cm.

- Hạt to đều, vỏ lụa màu trắng hồng, nhẳn, phù hợp với xuất khẩu.

- Năng suất: 30 - 35 giạ/1.000m2.

- Nhiễm bệnh gỉ sắt và đốm lá trung bình.

2. Chuẩn bị đất trồng
- Đối với đất núi:
+ Cày và xới cho tơi xốp đất, tùy điều kiện đất đai và mùa vụ mà lên líp cao hay thấp.
+ Chiều ngang líp từ 1,2 – 1,5m; chiều cao líp từ 0,3 – 0,5m.

- Đối với đất cù lao ven sông: Có thể trồng không lên líp, cứ 5-10 m đào một rãnh nhằm thoát nước tốt.

3. Lỹ thuật trồng
- Không nên bóc vỏ ra trước, chỉ bóc ra ngay khi gieo hạt. Chọn giống có tỷ lệ nảy mầm lớn hơn 90%.

- Lượng giống tính trên 1 ha: 220 – 250 kg quả hạt khô (ẩm độ 8-9 % .

- Cách trồng: 2 cách
+ Trồng theo lỗ: Trồng 4 - 5 lỗ trên hàng ngang, 2 - 3 hạt lỗ. Khoảng cách giữa các lỗ 20 - 25cm, hàng cách hàng 25 – 30 cm.
+ Trồng rạch hàng: Trên hàng kẻ rãnh, trồng theo rãnh 10 cm/hạt, khoảng cách giữa 2 rãnh 20 – 25 cm.

- Xử lý hạt giống: 2 cách
+ Gieo hạt đã ngâm ủ: Ngâm hạt giống trong nước 3 - 4 giờ ở nhiệt độ bình thường. Đem ủ 10 -12 giờ. Khi rễ mầm nhú ra khỏi vỏ lụa có thể trồng và đặt rễ mầm hướng xuống đất. Xử lý hạt nảy mầm trước khi gieo bằng BAM 5H hoặc Basudin 10H (0,5 - 1,0 kg/ha) + Rovral.
+ Gieo trực tiếp: Trước khi gieo, hạt giống được vẩy ướt cho đều, sau đó đem trộn hạt giống với các loại thuốc trên.

4. Tưới nước
Tùy thuộc vào điều kiện đất đai và việc bố trí mùa vụ mà chế độ tưới khác nhau. Nhưng đối với cây đậu phộng thường áp dụng tưới phun mưa quanh gốc là tốt nhất. Tại An Giang thường sử dụng phương pháp tưới thấm (đất đồng bằng) và sử dụng nước mưa (vùng đất núi) là chủ yếu. Trước khi thu hoạch nên giảm nước tưới. Đối với các giống đang sử dụng tại An Giang hiện nay thì 10 ngày trước khi nhổ đậu không được tưới nước vì hạt trong đất sẽ nảy mầm. Trước khi thu hoạch một ngày cho nước vào ruộng đậu để khi thu hoạch nhổ không bị đứt trái.

5. Làm cỏ và tỉa dặm cây con
a. Trồng dặm: Thông thường 3 - 5 ngày sau khi gieo hạt mọc đều, kiểm tra và dặm lại.

b. Làm cỏ:
- Trước hoặc sau khi gieo hạt từ 1 - 3 ngày sử dụng Dual, Dual Gold, Ronstar trên đất trồng đậu phộng.

- Trường hợp cây cỏ đã nảy mầm và phát triển được 3 - 6 lá (14 - 18 ngày sau khi gieo), có thể sử dụng các loại thuốc trừ cỏ như: Gallant Super, Onecide, Targa Super, Select.

- Các giai đoạn sau đó chỉ làm cỏ bằng tay trên đất trồng đậu phộng.

6. Bón phân
- Bón vôi: Canxi là chất dinh dưỡng cần chú ý trước tiên khi trồng đậu phộng. Thiếu canxi hạt lép nhiều, trái bị thối đen ở cuống, thân mầm bị xám đen. Kỹ thuật cung cấp canxi cho đậu phộng ở An Giang chủ yếu là bón vôi.

- Lượng phân bón cho 1 ha: Phân chuồng: 4 – 5 tấn; Vôi: 400 – 500kg; Urê: 150kg; Super lân: 100 – 150kg; KCl: 100 – 120kg

- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + Vôi + KCl + ½ Super Lân + 1/3 Urê + Thuốc trừ mối, kiến + dế.
+ Bón thúc:
. Lần 1: 10-15 ngày sau khi gieo (cây được 2 - 3 lá kép) bón 1/3 urê.
. Lần 2: 25-30 ngày sau khi gieo (cây được 2 - 3 lá kép) bón 1/3 urê + ½ Super Lân. Ngoài ra có thể sử dụng phân bón lá kết hợp với các lần phun thuốc trừ sâu.

7.Phòng trừ sâu bệnh
a. Trước khi gieo:
Nên xử lý hạt giống bằng các loại thuốc trừ nấm phổ rộng như Mancozeb, Rovral để hạn chế chết cây con.

b. Khi gieo hạt:
Hạt giống có thể bị chuột, kiến, mối … ăn phá. Nên sau khi lấp hạt có thể rãi thuốc xua đuổi như BAM, Basudin … Ngoài ra, các loại thuốc này cũng trừ được sâu đất, sâu keo tấn công khi cây vừa mọc khỏi mặt đất.

c. Giai đoạn cây con đến cây bắt đầu ra hoa:
- Nhóm sâu ăn lá: Có ba loài chính thường gặp là: Sâu keo, sâu xanh, sâu đục lá … Ba loài này nếu mật số dưới 2 con/cây thì không cần xử lý. Vì trong giai đoạn này cây tiếp tục ra lá mới, có khả năng bù đắp những lá đã bị thiệt hại. Nếu mật số cao có thể sử dụng các loại thuốc như: Match, Pegasus, Amate,…

- Nhóm chích hút: Có 3 loài thường gặp là bọ trĩ, nhện đỏ, rầy mềm. Điều kiện khô hạn rất thích hợp với các loài này. Để phòng trừ nhóm này không để ruộng khô hạn, cần quan sát dưới mặt lá để phát hiện sớm. Đối với nhện đỏ dùng thuốc trị như Nissorun, Comite, Nhện và bọ trĩ có thể dùng Confidor, Admire, Actara, …và phải luân phiên thuốc.

- Nhóm bệnh cây:
+ Bệnh đốm lá:
. Đốm nâu: Còn gọi là đốm lá sớm, trên lá vết bệnh màu nâu, thường xuất hiện trên lá non.
. Đốm đen: trên lá vết bệnh tròn màu đen thường nằm rìa ngoài mặt lá. Bệnh có thể xuất hiện sớm 3-5 tuần sau khi gieo. Bệnh phát triển mạnh khi nhiệt độ và ẩm độ cao. Bệnh nặng làm giảm sự quang hợp và rụng lá. Khi bệnh chớm xuất hiện có thể phun các loại thuốc như Benomyl, Carbendazim
+ Bệnh gỉ sắt:
Bệnh phát sinh chủ yếu trên lá, đôi khi có trên cuống lá, thân, tia quả. Vết bệnh là các mụn nhỏ màu vàng cam ở dưới các mặt lá, bệnh nặng làm lá khô vàng và rụng đi. Bệnh do nấm gây ra, có thể hại trên tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi chớm bệnh có thể phun: Daconil, Dithane M45, Bavistin …

d. Trong giai đoạn cây ra hoa đến thu hoạch:
- Đây là giai đoạn quan trọng nhất, giai đoạn này cũng thường gặp các loại sâu bệnh như ở giai đoạn từ cây con đến bắt đầu ra hoa. Quả đậu phộng trong đất có thể bị thiệt hại do:
+ Mối: Ăn phần vỏ quả hoặc đục vào quả, làm cho các loại nấm có điều kiện xâm nhập vào làm hư hạt.
+Bệnh thối quả (do nấm Pythium miriotylum) khi cây có quả, nấm xâm nhập vào làm thối tia và vỏ quả. Biện pháp ngăn ngừa: ruộng cần thoát nước tốt, không bị ngập úng …

- Ngoài ra trên đậu phộng còn xuất hiện bệnh đậu đực. Cây bị bệnh thường lùn, lá có màu vàng trong khi gân lá còn xanh, lá dày, nhỏ , dòn, lá cong queo, đầu lá nhọn. Cây sẽ không ra hoa, hoặc nếu ra hoa cũng không đậu trái. Bệnh xuất hiện nặng trong thời kỳ khô hạn do rầy và rệp là môi giới truyền bệnh. Phòng trừ rầy và rệp bằng các loại thuốc Supracide, Mospilan 3EC,...

8. Thu hoạch
Thu hoạch: Khi thấy lá trở màu nên nhổ 1 vài bụi để quan sát, nếu thấy 2/3 số trái đã già thì nên thu hoạch ngay. Nếu bán ăn tươi nên thu hoạch sớm hơn từ 10-15 ngày.

9. Bảo quản
Là cây có dầu nên rất mau mất sức nảy mầm, bảo quản trong dụng cụ kín (bao poly ethylen, lu, vại), phơi 3 tháng/lần thì ít ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm. Quả đậu phộng phải được phơi thật khô, ẩm độ trong hạt khoảng 10-12%. Chú ý, chỉ lấy những quả già để làm giống. Khi phơi làm giống, trái đậu phộng phải lắc kêu và khi tách ra vỏ lụa phải dể tróc. Bao chứa đậu không để tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.

10. Một số lưu ý
- Không nên trồng đậu liên tiếp qua nhiều vụ trên cùng 1 mảnh đất sẽ làm giảm năng suất.

- Không nên luân canh đậu phộng với các cây họ đậu khác, khoai lang, cà ớt … để tránh lây lan bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến