Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thông tin về sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá Tra

Thông tin về sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá Tra


Thông tin về sự kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh xuất huyết trên cá tra by C.ty UVVN | Thong tin ve su khang thuoc cua vi khuan gay benh xuat huyet tren ca tra

- Hiện nay, cá trá (Pangasianodon hypophthalmus) là một trong những đối tượng cá nuôi nước ngọt chủ lực, cung cấp thực phẩm trong nước và là mặt hàng xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự chuyển đổi nhanh chóng từ nuôi quảng canh sang thâm canh, diện tích nuôi ngày một mở rộng nên vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, bệnh xuất huyết là một trong những bệnh có tần số xuất hiện cao nhất trên cá tra nuôi thâm canh và đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Tác nhân gây bệnh là nhóm vi khuẩn di động Aeromonas spp. bao gồm vi khuẩn Aeromonas hydrophila, A. sobria và A. caviae. Trong đó, vi khuẩn Aeromonas hydrophila được xem là loài gây bệnh cho cá nước ngọt quan trọng nhất. Vi khuẩn này gây bệnh xuất huyết (đỏ mỏ đỏ kỳ) trên cá tra, basa và nhiều loài cá nuôi khác. Để hạn chế thiệt hại do các bệnh vi khuẩn, nhiều loại thuốc kháng sinh đã được người nuôi cá tra sử dụng. Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh quá mức, không đúng qui định, có thể tác động đến môi trường, hệ sinh thái. Kháng sinh còn có thể tồn lưu trong môi trường nuôi hoặc thậm chí để lại dư lượng trong sản phẩm thủy sản dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh của các loài gây bệnh trên cá.


- Chính vì thế, người nuôi cá không những chỉ nắm vững kiến thức về đặc điểm vi khuẩn gây bệnh, biện pháp chẩn đoán và phòng bệnh (như trong bản tin UV-001) mà còn phải có kiến thức cơ bản về tính chất của một số hóa chất và thuốc dùng trong thủy sản. Đặc biệt, người nuôi cá phải biết cách chọn đúng loại kháng sinh cho từng tác nhân vi khuẩn gây bệnh, cách sử dụng kháng sinh và dùng kháng sinh khi thật cần thiết nhằm hạn chế sự kháng thuốc, giảm chi phí điều trị và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong bài viết này sẽ trình kết quả làm kháng sinh đồ của 42 chủng vi khuẩn Aeromonas spp. (gây bệnh xuất huyết trên cá tra ở ĐBSCL) trên 11 loại kháng sinh. Kết quả làm kháng sinh đồ được trình bày ở Hình bên dưới.


Tỷ lệ phần trăm kháng thuốc kháng sinh của các chủng vi khuẩn Aeromonas spp., gây bệnh xuất huyết trên cá tra.

* Ghi chú:
Ampicillin (AM/10 µg), amoxicillin+clavulanic acid (AMC/20/10 µg), cefazoline (CEZ/30 µg), cefalexine (CN/30 µg), florfenicol (FFC/30 µg), tetracycline (TE/30 µg), doxycycline (DO/30 µg), flumequine (FM/30 µg), ciprofloxacin (CIP/30 µg), streptomycin (SM/10 µg), trimethoprime+sulfamethoxazol (SXT/1,25/23,75 µg).

- Ở Việt Nam, thuốc kháng sinh chloramphenicol bị nghiêm cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản vì có độc tính rất mạnh và là nguyên nhân gây ra hiện tượng thoái hóa tủy xương. Tuy nhiên, dẫn xuất florinated của kháng sinh này là florfenicol được Cục Quản Lý Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ (gọi tắt là FDA) cho sử dụng trong một số ngành chăn nuôi công nghiệp, bao gồm ngành nuôi trồng thủy sản. Kết quả làm kháng sinh đồ cho thấy, đa số vi khuẩn gây bệnh xuất huyết cá tra (hơn 87% số chủng vi khuẩn) nhóm vi khuẩn Aeromonas spp. nhạy với florfenicol.

- Nhóm kháng sinh tetracyclines bao gồm tetracycline, oxytetracycline, clortetracycline, doxycycline, ... có phổ hoạt động rất rộng, là kháng sinh ức chế vi khuẩn ở nồng độ thấp và diệt khuẩn ở nồng độ cao. Trong kết quả này cho thấy hơn 81% số chủng vi khuẩn Aeromonas spp. nhạy với doxycycline. So với docyxycline, tetracycline đã giảm tác dụng chỉ còn 58% số chủng vi khuẩn nhạy. Khi sử dụng kháng sinh nhóm tetracycline để điều trị bệnh thì không nên kết hợp với ampicillin, erythromycin, colistin, ... vì như thế sẽ gây ra tác dụng đối kháng làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh nhóm này. Nhiều nghiên cứu cho rằng sự kháng thuốc kháng sinh nhóm tetracycline và trimethoprime+sulfamethoxazol có liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh này trước đây quá rộng rãi và phổ biến để phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, người nuôi cá tr chỉ sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho cá khi thật cần thiết.

- Nhóm kháng sinh beta-lactam bao gồm amoxicillin, ampicillin, cefazoline, cefalexine, ... là loại kháng sinh có phổ kháng khuẩn hẹp, chủ yếu có tác dụng trên vi khuẩn Gram dương và một số ít loài vi khuẩn Gram âm. Do màng tế bào của vi khuẩn Gram âm có tỉ lệ lipid cao nên nó kỵ nước, còn nhóm beta-lactam phải khuếch tán qua các ống dẫn protein nằm trên bề mặt màng. Mặt khác, đa số vi khuẩn Aeromonas spp. gây bệnh trên cá tra là vi khuẩn Gram âm. Do đó, trong kết quả làm kháng sinh đồ (Hình 1) cho thấy hầu hết vi khuẩn Aeromonas spp. kháng với kháng sinh ampicillin, cefazoline và cefalexine. Thậm chí, vi khuẩn Aeromonas spp. gây bệnh trên cá tra đã kháng tự nhiên (kháng bẩm sinh) với ampicillin (kháng 100%). Mặc dù, amoxicillin đã kết hợp với acid clavulanic nhằm mở rộng hoạt phổ của nhóm kháng sinh này, ức chế vi khuẩn tiết ra men beta-lactamaz, nhưng tỉ lệ nhạy của amoxicillin đã kết hợp với acid clavulanic cũng chỉ đạt 51%. Nhìn chung, không nên sử dụng nhóm thuốc này để trị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas spp.

- Nhóm kháng sinh quinolone bao gồm: ciprofloxacin, enprofoxacin, flumequin, ... là nhóm kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, tác dụng ức chế tổng hợp DNA. Ở nước ta, đa số thuốc kháng sinh trong nhóm này cấm sử dụng trong thủy sản. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy ciprofloxacin còn nhạy (88,1%). Tuy nhiên, tính nhạy của flumequine với vi khuẩn Aeromonas spp. đã giảm nhiều (chỉ còn 67% số chủng vi khuẩn nhạy). Ngoài ra, đa số vi khuẩn này đã kháng hoặc nhạy trung bình với streptomycin.

- Tóm lại, hiện tại có thể dùng thuốc kháng sinh florfenicol hoặc doxycycline để trị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas spp. trong trường hợp cần thiết.


Bài viết đã được mua tác quyền, bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn: Th.s Từ Thanh Dung - Khoa Thủy Sản - Đại Học Cần Thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến