Lần đầu tiên, một vườn chôm chôm của Sáu Hớn ở Bến Tre được công nhận đạt chất lượng toàn cầu Global GAP. Từ đây, giá bán một ký chôm chôm sang thị trường Mỹ lên đến hơn 200.000đ. “Choáng váng” là hai từ Sáu Hớn nói về sự thành công bất ngờ này
Chôm chôm Global GAP Sáu Hớn |
Khu vườn chôm chôm rộng 6,4ha của ông Võ Văn Hớn (Sáu Hớn) nằm sâu trong ruột ấp Phú Đức B, xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách, Bến Tre). 1.425 cây chôm chôm giống Java cổ thụ, cây lớn nhất 40 năm tuổi, nhỏ nhất 11 năm tuổi, đang mùa đơm hoa, kết trái.
Lão nông Sáu Hớn đã 80 tuổi nhưng vẫn quắc thước, tinh anh, thâm niên 40 năm trồng chôm chôm. Ông cười giòn: “Thiệt hổng uổng công, mới nhận giấy chứng nhận Global GAP có mấy bữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây điện thoại tới tấp”.
12,5 đôla một ký
Sáu Hớn nói từ năm 1992 ông đã thành công với kỹ thuật siết nước buộc cây chôm chôm cho trái mùa nghịch. Năm 1999, trái chôm chôm Sáu Hớn bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 20.000 – 21.000đ/kg, trong khi giá bán trong nước cao nhất chỉ có 10.000đ/kg.
Tháng 2.2009, sau khi áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP gần một năm, dù chưa được cấp giấy chứng nhận chính thức mà ông Sáu đã xuất được 2.000kg sang thị trường Đức với giá 120.000đ/kg. Sau khi nhận được chứng chỉ Global GAP, ông Sáu choáng váng trước một đơn đặt hàng từ Mỹ, giá 12,5 USD/kg (hơn 200.000đ/kg), có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu.
“Bốn chục năm theo nghề trồng chôm chôm, tui chưa bao giờ nghĩ thứ trái cây này lại có giá cao ngất ngưởng như vậy”, ông Sáu Hớn xuýt xoa.
Sáu Hớn kể, chuyện trồng chôm chôm Global GAP đến với ông như một giấc mơ. Đầu năm 2008, ông bất ngờ nhận được tin từ bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đến ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, xã đều nhất trí giới thiệu vườn chôm chôm của ông cho một Việt kiều Đức hướng dẫn thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global GAP.
Hỏi thăm, ông Sáu mới biết, ông Việt kiều này ăn trái chôm chôm Global GAP của Thái Lan với giá quá cao, tức mình nghĩ rằng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều nơi trồng chôm chôm chất lượng không thua kém chôm chôm Thái, vậy tại sao giá bán thất thường, rẻ mạt. Thế rồi ông Việt kiều Đức này liên hệ với bộ NN&PTNT, và các quan chức của bộ nhớ ngay đến ông Sáu Hớn, vì hơn 20 năm qua ông Sáu nổi tiếng là người trồng chôm chôm giỏi nhất ĐBSCL
Ngay sau đó, các chuyên viên kỹ thuật của ngành nông nghiệp đổ quân xuống vườn ông Sáu, lấy mẫu đất, mẫu nước tưới, mẫu trái cây về phân tích và kết luận vườn chôm chôm của ông hội đủ những điều kiện để áp dụng quy trình canh tác Global GAP
Lần giở từng trang của bộ hồ sơ canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP nặng 4 – 5kg, Sáu Hớn kể: “Khi bắt tay vào thực hiện quy trình canh tác Global GAP, tui thấy sao mà quá khó. Nào là phải ghi nhật ký canh tác, chia lô khu vườn để theo dõi quá trình chăm sóc, bón phân, thu hoạch và áp dụng hàng trăm tiêu chí kỹ thuật khác, rồi phải đi học an toàn lao động về cơ khí – điện, học an toàn thực phẩm sau thu hoạch… tui cảm thấy làm không xuể. Đã có nhiều lần, tui xin rút lui, hổng cần gáp ghiếc gì hết trọi, nhưng mấy ổng không chịu”.
Sau một năm kiên trì, hôm 16.9.2009 ông Sáu Hớn chính thức được Thuỵ Sĩ cấp giấy chứng nhận vườn cây đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu. Ngay sau đó đơn đặt hàng tới tấp bay về. Giá xuất khẩu, ông Sáu nói có nằm mơ cũng không ngờ được
Mong cả xóm cùng làm “GAP”
Những ngày này ông Sáu Hớn luôn bận bịu ngoài vườn chôm chôm, chăm sóc cho lứa trái đang lớn. Ông Sáu nói, ước tính 6,4 ha vườn chôm chôm của ông sẽ cho thu hoạch tối thiểu gần 200 tấn trái, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã ngỏ ý bao tiêu toàn bộ với giá rất cao. Nhưng điều mà lão nông Sáu Hớn đang ưu tư là tìm cách khuyến khích những nhà vườn ở xã Phú Phụng cùng trồng chôm chôm Global GAP như ông
“Hiện nay toàn xã Phú Phụng có 160ha đất trồng chôm chôm, nhưng chỉ mới có mình tui được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Mặc dù mấy chục năm nay dân trồng chôm chôm xã này thoát nghèo, giàu có, nhà tường, nhà đúc, nhà lầu mọc lên ngày càng nhiều, nhưng vẫn không tránh khỏi chuyện được mùa, rớt giá
Tui đang hiến kế với UBND xã Phú Phụng, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách và các cơ quan hữu trách của tỉnh Bến Tre vận động những người trồng chôm chôm tham gia quy trình canh tác Global GAP, thành lập hợp tác xã”, ông Sáu Hớn nói
“Mình làm được thì phải chỉ bảo, hướng dẫn bà con chòm xóm cùng làm để gia tăng lợi nhuận từ vườn cây. Giấu nghề, hưởng một mình, không phải là nông dân miền Tây”, lão nông Sáu Hớn bày tỏ.
Theo Hùng Anh (SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét