Mô hình nuôi rắn Ráo Trâu trong hộc làm giàu
Mô hình nuôi rắn ráo trâu trong hộc làm giàu by Nhà nông | Mo hinh nuoi ran rao trau trong hoc lam giau
Bước vào nhà anh Vũ, đập vào mắt tôi là những dãy tủ bằng gỗ có nhiều hộc nhỏ. Cứ tưởng đây là những tủ đựng thuốc nam hay thuốc bắc, hỏi ra mới biết, mỗi hộc tủ ấy là “nhà” của một con rắn ráo trâu...
1. Khởi nghiệp từ cái duyên
- Người nuôi rắn ráo trâu (hay còn gọi là rắn hổ hèo) trong hộc tủ là anh La Minh Vũ- ở khu vực 1 (phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang). Anh thực hiện mô hình này từ năm 2008. Ban đầu anh chỉ nuôi 40 con, sau 5 năm, hiện anh Vũ đang sở hữu 400 rắn bố mẹ và gần 1.000 rắn con. Mỗi năm, anh Vũ thu nhập khoảng 1 tỉ đồng từ nghề nuôi rắn ráo trâu.
- Anh Vũ nhớ lại: “Trước đây tôi làm thợ mộc, cuộc sống khó khăn. Năm 2008, một lần lên TPHCM thăm người bạn thân, lúc ngồi lai rai, anh ấy khuyên tôi nên nuôi rắn hổ hèo, ít tốn công chăm sóc, giá bán lại rất cao. Tôi lưỡng lự vì không biết gì về kỹ thuật nuôi rắn và... rất sợ rắn! Song, để thử thời vận, tôi liền về quê mượn tiền mua 40 con rắn giống về nuôi.
- Anh Vũ cho biết: “Do lần đầu, chưa nắm rõ kỹ thuật nên rắn chậm lớn, cũng hơi nản. Nhưng đã phóng lao phải theo lao, tôi bắt đầu tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ bạn bè. Lứa rắn thứ hai phát triển nhanh, bán được giá cao, tôi rất mừng”.
- Dù rắn phát triển tốt, nhưng anh Vũ vẫn trăn trở: Làm thế nào để rắn không bị mất sức do tranh mồi với nhau? Là thợ mộc, anh liền nảy sinh ý tưởng thiết kế chuồng rắn thành từng hộc riêng lẻ, mỗi hộc đều có cửa và lỗ thông hơi, đổ đất vào rồi bỏ rắn giống vào nuôi.
- Anh Vũ chia sẻ: “Rắn ráo trâu là loại rắn không độc nhưng rất hung dữ, nếu không hiểu đặc tính của nó thì người nuôi cũng bị cắn. Rắn hay mắc các bệnh tim, gan, phổi; đặc biệt là bệnh đường ruột, nếu cho ăn quá nhiều rắn sẽ ngã ngang chết liền. Vì thế, khi thấy rắn bỏ ăn mình phải chữa liền và cần phải nắm rõ các kỹ thuật phòng và chữa bệnh cho rắn”. Thức ăn cho rắn phải là chuột, ếch, cóc, nhái còn sống, nhưng món yêu thích của rắn hổ hèo vẫn là ếch đồng. Rắn có thể phân biệt được ếch đồng và ếch nuôi công nghiệp.
- Để có thức ăn thường xuyên cho rắn, anh Vũ phải mua của những người chuyên đi bắt cóc, nhái với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Rắn ráo trâu có thị trường tiêu thụ lớn. Nhiều thương lái đến đặt mua tại nhà anh Vũ. Rắn do anh nuôi đã có mặt tại các tỉnh Tây Ninh, Long An và xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời điểm này, rắn thịt có giá 830.000 đồng/kg, có lúc giá bán lên đến 1,2 triệu/kg. Giá rắn ráo trâu ít dao động, dù giá thấp nhất người nuôi vẫn không bị lỗ.
2. Cùng nhau thoát nghèo
- Khi đã nuôi một vài lứa, thấy “dễ ăn”, anh Vũ bắt đầu chia giống cho hàng chục thanh niên tại địa phương để cùng nhau thoát nghèo. Anh Dương Văn Tám - khu vực 5, phường Hiệp Thành - kể: “Cách đây một năm, khi ngồi uống cà phê với mấy anh em đang nuôi rắn, anh Vũ đưa ra ý tưởng liên kết những người cùng nghề lại thành một hội để hỗ trợ lẫn nhau. Quan trọng nhất là tập hợp được tiếng nói của những người nuôi rắn ráo trâu chuyên nghiệp để đưa tâm tư, nguyện vọng lên chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm. Thế là câu lạc bộ thanh niên nuôi rắn ráo trâu ra đời”.
- Hiện CLB có 11 thành viên, mỗi năm xuất bán được khoảng 10.000 trứng, trên 3 tấn rắn thịt và hàng ngàn con giống cho khách hàng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thu bạc tỉ/năm. Anh Tám hồ hởi: “Trước khi đến với nghề nuôi rắn ráo trâu nhà tui nghèo lắm. Hằng ngày tui đi làm thợ hồ, thất nghiệp thì chạy xe ôm, trồng rau bán. Thấy vậy, anh Vũ gợi ý tui nuôi rắn, ảnh hỗ trợ con giống cho tui lứa đầu. Tui về bàn với vợ rồi mượn 20 triệu đồng để xây chuồng và mua 60 con rắn giống.
- Do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu chết hết phân nửa, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì hết vốn. Nhờ anh em trong CLB động viên, giúp đỡ, hiện tui đang sở hữu vài trăm hộc rắn bố mẹ, có thể tự ấp trứng và nở con”. Thực tế, nhờ nuôi rắn nhiều gia đình trong vùng đã vươn lên thoát nghèo.
- Ông Từ Nhuần Hiệp - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy - cho biết: “Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, song rắn ráo trâu là loại động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vì vậy, việc nuôi, buôn bán còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Nhờ CLB nuôi rắn ráo trâu có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, mô hình nuôi rắn ráo trâu đã giúp một bộ phận người dân địa phương vươn lên thoát nghèo...”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét