Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Cách hạn chế bệnh gan thận mủ lây lan trên cá Tra

Cách hạn chế bệnh gan thận mủ lây lan trên cá Tra


Cách hạn chế bệnh gan thận mủ lây lan trên cá tra by C.ty UVVN | Cach han che benh gan than mu lay lan tren ca tra

1. Tình hình xuất hiện bệnh do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri
- Vi khuẩn Edwardsiella ictaluri là tác nhân chính gây ra bệnh gan thận mủ trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi thâm canh ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là loại vi khuẩn đặc thù gây bệnh chủ yếu trên cá da trơn nuôi công nghiệp. Vi khuẩn E. ictaluri đầu tiên đã phân lập được trên cá nheo Mỹ (Ictalurus furcatus) gây bệnh nhiễm trùng máu, trên cá trê trắng (Clarias batrachus) ở Thái Lan và trên một số loài cá da trơn khác.


- Ở nước ta, bệnh này xuất hiện đầu tiên vào mùa lũ năm 1998 ở các tỉnh nuôi cá tra thâm canh phát triển mạnh như: An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Sau đó, bệnh lan dần đến các vùng có nuôi cá tra lân cận. Bệnh gan thận mủ thường xuất hiện vào mùa lũ và cao điểm vào tháng 6, 7 và 9 (Sơ đồ 1). Trong 1 chu kỳ nuôi, bệnh mủ gan có thể xuất hiện ít nhất 3 - 5 lần. Đặc biệt, những năm gần đây bệnh này đã xuất hiện hầu như quanh năm và đã lây lan khắp các tỉnh có nuôi cá tra ở Việt Nam. Bệnh xuất hiện trên tất cả các giai đoạn phát triển của cá tra, trong đó tỉ lệ hao hụt lớn nhất ở giai đoạn giống, có thể lên đến 50 - 90%.


2. Quản lý các yếu tố bộc phát bệnh
a) Kiểm tra phát hiện bệnh
- Trong quá trình nuôi, việc thường xuyên kiểm tra và theo dõi đàn cá nuôi có thể giúp cho người nuôi phát hiện bệnh sớm trước khi cá chết hàng loạt. Một vài dấu hiệu bất thường cần chú ý như: hoạt động của cá thay đổi do bị sốc, cá nổi đầu hay tập trung ở khu vực nước chảy, giảm ăn hoặc bỏ ăn, nhảy lên khỏi mặt nước.

- Khi cá tra nhiễm bệnh gan thận mủ, người nuôi có thể dựa vào dấu hiệu bệnh lý là những đốm trắng xuất hiện trên gan, thận và tỳ tạng.


b) Theo dõi sự biến động của các yếu tố môi trường
- Mật độ nuôi cao trong các hệ thống nuôi thâm canh làm cho cá bị sốc và gây nên những biến đổi về môi trường tạo điều kiện cho bệnh bộc phát. Sự tích tụ chất thải từ thức ăn dư thừa đều sinh ra độc tố khi phân hủy làm ảnh hưởng trực tiếp đến cá và tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, người nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như oxy, pH, nhiệt độ, NH3, độ mặn, ... Mỗi hộ nuôi cần có bộ kít đo môi trường và kiểm tra ít nhất 1 lần trong 1 tuần. Nên ghi nhận sự thay đổi của các yếu tố môi trường vào thời điểm giống nhau. Đo các chỉ tiêu môi trường 2 lần trong ngày một lần vào sáng (7 - 8h) và vào chiều mát (5 - 6h).

- Người nuôi cần theo dõi hoạt động, biểu hiện của cá trong điều kiện nhiệt độ mà bệnh gan thận mủ dễ bùng phát (28 – 30 độ C). Khi điều kiện môi trường xấu cần đưa ra biện pháp điều chỉnh thích hợp bằng các biện pháp như thay nước mới, kiểm tra độ sâu mực nước, cấp thêm nước vào ao.

c) Thức ăn cho cá
Chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng làm thay đổi tính mẫn cảm của cá đối với vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ. Cho cá ăn vừa phải, không có cá ăn quá nhiều vì lượng thức ăn dư thải ra môi trường bên ngoài làm tích tụ chất cặn bã gây nên ô nhiễm cho ao nuôi làm cho cá dễ mẫn cảm với sự bộc phát bệnh. Khi cá ở giai đoạn nhỏ (50 - 80g) cho ăn tối đa khoảng 5% trọng lượng cơ thể, cá lớn khoảng 2% trọng lượng cơ thể. Không cho ăn quá 3 lần trên ngày vào thời điểm nhiệt độ nước thấp nhất, không nên cho ăn vào giữa trưa khi mặt trời lên cao. Khi thấy cá nuôi có những dấu hiệu bất thường, ngưng cho cá ăn hoặc giảm lượng thức ăn có thể là một biện pháp tốt để hạn chế bệnh.

d) Cách phòng bệnh lây lan
- Cá giống cần được quan sát cẩn thận, mỗi biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng bệnh ở cá phải được xử lý kịp thời. Cá giống mua về cần được kiểm tra cẩn thận để loại bỏ những con cá bị xây xát nhiều, nên tắm nước muối 0,5% trong 5 - 10 phút trước khi thả nuôi. Không nên chọn cá giống đã nhiễm bệnh gan thận mủ.

- Khi dịch bệnh xảy ra, việc vứt cá ra sông, chôn hoặc bán cá chết cho những hộ nuôi cá khác đã tạo điều kiện cho bệnh lan tràn từ vùng nuôi này đến vùng nuôi khác ở ĐBSCL. Do vậy, người nuôi cần phải tuyệt đối thực hiện các biện pháp khử trùng ao, các dụng cụ và xử lý cá chết như: (1) Tiệt trùng các dụng cụ (lưới, vợt, sọt, ống dây) bằng Chlorine 10-15 g/m3 trong 30 phút; (2) Cá chết phải vớt ra khỏi ao, bè càng sớm càng tốt, và chôn vào hố cách ly có rải vôi sống (CaO) để tiệt trùng; (3) Nước thải từ ao cá bệnh cần được xử lý diệt khuẩn trước khi xả ra ngoài.

- Cá tra nhiễm bệnh gan thận mủ sẽ mẫn cảm với các bệnh khác như: bệnh do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết và bệnh trắng gan, trắng mang, ... do vậy cần tích cực phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại. Dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Lựa chọn loại kháng sinh mà vi khuẩn gây bệnh này còn nhạy (dựa vào kết quả kháng sinh đồ).

- Tóm lại, việc phòng bệnh ở cá tra phải kết hợp với nguồn cá giống sạch bệnh, quản lý tốt môi trường nuôi và đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Cần sớm nghiên cứu Vaccine phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra một cách tích cực và hiệu quả hơn.

Bài viết đã được mua tác quyền, bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn: Thạc Sỹ T.T.Dung, Khoa TS, ĐHCT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến