Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Kỹ thuật trồng hoa Cát Tường

Kỹ thuật trồng hoa Cát Tường


Kỹ thuật trồng hoa cát tường by Cây Xanh VN | Ky thuat trong hoa cat tuong

Hoa Cát tường là loại hoa đẹp không những có hình dáng hoa thanh lịch giống hoa hồng mà còn có bộ lá xinh xắn, đa dạng về màu sắc và chủng loại. hoa có nguồn gốc từ miền tây của nước Mỹ. Hiện tại đang là giống hoa đang được nhiều người ưa chuộng và thị trường tiêu thụ chấp nhận.


I. Vị trí phân loại
- Ngành: Magnoliophyta

- Lớp: Magnoliopsida

- Lớp phụ: Asteridae

- Bộ: Gentianales

- Họ: Gentianaceae

- Giống: Eustoma

- Tên khoa học: Eustoma grandiflorum

- Tên khác: Lisianthus, Prairie Gentian, Texas bluebell, Tulip Gentian, Bluebell, Lire de san pedro.

II. Đặc điểm sinh trưởng
- Hoa cát tường là loài hoa dại có nguồn gốc từ Bắc mỹ. Là loài cây có khả năng chịu rét tương đối trên đồng cỏ và được biết đến với nhiều màu sắc khác nhau,
có loại cánh đơn và cánh kép.

- Màu nguyên thủy là màu xanh, dần dần đã có sự xuất hiện đa dạng về màu sắc như hồng, trắng, trắng pha tím, trắng pha hồng, ...

- Đây là loài hoa khá thanh lịch không chỉ được bán như các loại hoa cắt cành mà còn được biết đến dưới dạng hoa chậu nghệ thuật.

- Hoa Cát tường phát triển tốt ở điều kiện 70 – 80 Klux (ánh sáng tự nhiên). Do vậy vào mùa xuân hay mùa hè có cường độ ánh sáng cao nên thường phải che lưới cho hoa. Hoa cát tường thích hợp với vụ dài ngày, có số giờ chiếu sáng trong ngày tối ưu là 16 giờ trong ngày thì sẽ cho chất lượng bông cao nhất.

- Nhiệt độ tối thích cho hoa cát tường sinh trưởng và phát triển là từ 18 – 20 độ C vào ban ngày và 15 – 18 độ C vào ban đêm. Nhiệt độ vào ban đêm thấp hơn 15 độ C sẽ làm trì trệ quá trình sinh trưởng của cây. Vào ban ngày khi nhiệt độ cao hơn 28 độ C sẽ làm cho hoa nở sớm, rút ngắn quá trình sinh trưởng của hoa và cho hoa kém chất lượng. Tùy theo từng chủng loại giống mà có yêu cầu về nhiệt độ và quang chu kỳ khác nhau, do vậy trước khi trồng nên tìm hiểu chủng loại giống mà bố trí mùa vụ thích hợp.

- Độ ẩm khoảng 70% được xem là lý tưởng nhưng sau khi nụ đầu tiên được hình thành thì việc giảm độ ẩm xuống dưới 70% sẽ làm gia tăng chất lượng của hoa.

- Tính cả thời gian từ lúc gieo hạt cho đến khi cây ra hoa là từ 20 – 23 tuần.

III. Các chủng loại hoa Cát tường
1.Giống hoa kép


1. Nhóm Avilia: nhóm này thích hợp ở điều kiện ánh sáng yếu và nhiệt độ mát. Do vậy nhóm giống này thường trồng vào vụ đông. Các màu thường là trắng ngà, viền xanh, hồng cánh sen, đỏ tía.

2. Nhóm Balboa: nhóm này thích hợp nhiệt độ và cường độ ánh sáng cao hơn. Phug hợp trồng vụ xuân đến hè. Phát triển tốt ở điều kiện quang chu kỳ ngày dài. Các màu thường là xanh, viền xanh, xanh tía.

3. Nhóm Catalina: thích hợp với điều kiện ngày dài và thời tiết ấm áp. Các màu thường là xanh tía và màu vàng.

4. Nhóm Candy: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Nhóm này cho hoa nở đồng loạt và có nhiều màu để chọn lựa.

5. Nhóm Echo: Nhóm này là nhóm phổ biến trong giống hoa cát tường.Không thích hợp với cường độ ánh sáng quá cao hay thấp, thích hợp cho vụ đông xuân. Các màu phổ biến trong giống này là xanh bóng, xanh tía, hồng, hồng tía, trắng tuyền.

6. Nhóm Mariachi: Nhóm này thích hợp trồng trong chậu. Đặc điểm giống này là có số cánh hoa nhiều, cánh hoa mỏng hơn các giống khác nên nhìn rất đẹp. Các màu phổ biến trong giống này là trắng, hồng, hồng nhạt, xanh…

2. Giống hoa đơn
1. Nhóm Flamenco: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài và mạnh. Các màu là xanh bóng, hồng, vàng, trắng.


2. Nhóm Heidi: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và quang chu kỳ ngày ngắn. Có nhiều màu để chọn lựa.

3. Nhóm Laguna: là nhóm thích hợp với cường độ ánh sáng cao và quang chu kỳ ngày dài. Thân hoa dài khoảng 48 cm, một cây trung bình có 3 thân và 25 nụ hoa. Có 02 màu là xanh đậm và xanh tía.

4. Nhóm Malibu: thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình và trong mùa xuân và mùa thu. Có nhiều màu là hoa cà, xanh đậm, trắng, hồng, trắng viền xanh.

5. Nhóm Yodel: Thân hoa dài khoảng 45 – 50cm. Có nhiều màu là xanh đậm, xanh, hoa cà, hồng phấn, hồng, trắng.

IV. Kỹ thuật trồng hoa Cát tường
1.Ươm giống
Hạt giống hoa cát tường tương đối nhỏ (khoảng 19.000 hạt/gam) nên khó gieo trực tiếp ra đồng. Thường gieo vào vỉ xốp loại 200 lỗ. Gía thể dùng ươm thường là 30% xơ dừa + 30% đất mùn + 25% đất Feralit đỏ (đất mới) + 5% super lân và 10% phân chuồng ủ hoai mục. pH của giá thể vào khoảng 6 – 6,5. Sau khi gieo vào giá thể cần giữ ẩm thường xuyên để hạt nảy mầm và phát triển. Nhiệt độ thích hợp cho quá trình nảy mầm của hạt là 20 – 22 độ C. Quá trình nảy mầm diễn ra trong vòng từ 10 – 20 ngày. Nhiệt độ của nhà ươm cây không nên vượt quá 22 độ C. Nhiệt độ tối ưu cho cây con phát triển vào khoảng 15 – 18 độ C. Giữ độ ẩm giá thể vào khoảng 70 – 80%, không nên tưới nhiều làm ẩm độ quá cao cây con sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Chăm sóc hàng ngày và phun thuốc định kỳ tuần/lần các loại thuốc diệt nấm như Zinep, Kasuran ……… và các loại thuốc diệt sâu như Sumi anpha, Regent, Pegasus… Cần tạo sự thông thoáng trong nhà ươm để giá thể không bị ẩm độ quá cao sau khi tưới.Khoảng 3 tháng sau khi gieo, cây có 2 - 3 bộ lá thì có thể xuất vườn ươm để trồng ra ngoài đồng.

2.Chuẩn bị đất trồng
hoa cát tường có thể phát triển tốt trên nền đất có hàm lượng chất hữu cơ cao (đất bón phân chuồng hoai mục nhiều). Trước khi trồng đất cần được cày phơi ải, xử lý vôi và thuốc phòng trừ tuyến trùng, sên nhớt như Furadan… Sau khoảng 2 – 3 tuần phơi ải và xử lý đất, dùng phân chuồng đã ủ với chế phẩm Trichoderma và Super lân 5% vào thời điểm khoảng 1 tháng trước đó bón với lượng 10 m3/1.000 m2. Bổ sung thêm một lượng phân khoáng NPK (16:16:8) : 50 kg//1000 m2. Độ pH thích hợp từ 6,3 – 6,5. Rãi phân đều trên mặt luống, trộn và xăm trộn đều trên tầng đất mặt (20 – 30 cm) và tiến hành trồng cây.

3. Mật độ và khoảng cách trồng
- Thiết kế rò rãnh 1,3 m, luống cao 15 – 20 cm để tạo độ thông thoáng . Trên mặt luống trồng từ 5 – 6 hàng với hàng cách hàng khoảng 15 – 18 cm, trên mỗi hàng trồng cây cách cây từ 10 – 12 cm. Mật độ trồng đạt khoảng 50 – 60 cây/m2. Vào mùa mưa có thể trồng thưa hơn để hạn chế bệnh phát triển và lây lang.

- Trong quá trình trồng chọn lựa những cây có bộ rễ phát triển tốt, lấy cây nhẹ nhàng ra khỏi vỉ xốp hạn chế tối đa việc làm thương tổn bộ rễ cây con và bể bầu đất ươm cây. Trồng và lấp đất ngang cổ thân, tránh trồng quá sâu có thể làm thối rễ cây con. Sau khi trồng cần quản lý tốt độ ẩm đất nhằm giúp cho cây con mau chóng hồi phục và phát triển tốt trên vườn. Trong ngày phải tưới từ 2 – 3 lần vào thời điểm 5 giờ sáng, 10 giờ sáng và 2 giờ chiều để giữ ẩm cho cây con bén rễ tốt. Sau 10 – 15 ngày khi cây con bén rễ, giảm số lần tưới xuống còn 1 – 2 lần/ngày tùy theo điều kiện thời tiết là trời râm hay nắng gắt.

4. Kỹ thuật chăm sóc
a) Tưới nước
- Độ ẩm đầy đủ là cần thiết cho sự sinh trưởng của hoa cát tường, tuy nhiên nếu duy trì độ ẩm quá cao và thường xuyên sẽ làm cây bị nhiễm một số bệnh nguy hiểm có trong đất như bệnh lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani), bệnh héo vàng (Fusarium solani), bệnh thối đen rễ (Pythium spp.)…

- Khi tưới cho hoa, thời điểm tưới thích hợp vào khoảng 5 – 8 giờ sáng, tưới vào thời điểm này sẽ làm cho đất hạn chế độ ẩm trong đêm, do đó ít phát sinh bệnh hại trên cây hoa cát tường đang phát triển .

b) Tỉa nụ hoa
- Sau khi trồng từ 10 – 13 tuần cây sẽ cho nụ hoa đầu tiên. Cần tỉa bỏ nụ hoa đầu tiên này để các chồi bên ra hoa đồng loạt. Có một số giống không cần tỉa nụ hoa này mà cây vẫn cho hoa đồng loạt.

- Sau khi thu hoạch đợt bông đầu, cây sẽ có thời gian nghỉ khoảng 6 – 8 tuần mới cho bông đợt hai. Năng suất thu hoạch đợt bông lần hai chỉ bằng khoảng 20 – 30% so với năng suất lần đầu.

c) Tạo giá thể
Sau khi trồng khoảng 1 tháng, cần tiến hành giăng lưới đỡ cây. Đóng nọc và giăng lớp lưới đầu tiên, thường sử dụng lưới đan bằng kẽm hay cước nylong có kích thước mắt lưới là 15 cm x 20 cm. Lớp lưới đầu tiên đặt cách mặt đất 30 cm, lớp lưới thứ hai cách lớp đầu tiên khoảng 15 cm – 20 cm. Hai lớp lưới này giúp cây hoa không bị ngã đỗ và giữ cho cành hoa được thẳng.

d) Giảm ánh sáng
Hoa cát tường yêu cầu lượng ánh sáng cần cho quá trình quang hợp không cao, do vậy cần che một lớp lưới đen để giảm bớt từ 30 – 40% ánh sáng nhằm giúp gia tăng chiều dài cành hoa. Tuy nhiên vào các tháng mưa nhiều ở Đà Lạt (tháng 7,8,9) cần tháo bỏ lưới che để hạn chế bệnh do nấm hại phát triển, nhất là nấm mốc đen (Botrytis cineca) gây hại trên thân và lá của hoa.

e) Bón phân
- Sau khi trồng 3 tuần, bón thúc 20 kg NPK(16:16:8) + 10 kg kali trắng/1.000 m2.

- Sau khi trồng 6 tuần, bón thúc 30 kg NPK(20:20:15) + 10 kg kali trắng/1.000 m2.

- Sau khi trồng 9 tuần, bón thúc 30 kg NPK(15:5:20)/1.000 m2.

- Sau thu hoạch lần một 2 tuần, bón thúc 20 kg NPK(16:16:8) + 10 kg kali trắng/1.000 m2.

- Sau thu hoạch lần một 4 tuần, bón thúc 30 kg NPK(20:20:15) + 10 kg kali trắng/1.000 m2.

- Khi bón phân đơn chú ý nên bón đạm ở dạng phân Nitrat, thường bón lượng đạm cân bằng với lượng phân Kali vào giai đoạn từ khi trồng đến khi hoa tượng nụ. Khi hoa bắt đầu tượng nụ, nên bón phân giảm hàm lượng đạm và tăng hàm lượng kali để tăng chất lượng hoa. Trong quá trình bón không nên rãi phân sát gốc hoa, thường bón kết hợp với việc xới xáo, làm cỏ. Sau khi bón xong cần tưới đẫm cho tan phân để cây hấp thu.

- Canxi cũng cần thiết trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, tuy nhiên hoa cát tường không thích hợp khi trồng trên nền đất có hàm lượng canxi cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến