Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Quy trình nuôi cá Chép V1 thương phẩm

TIÊU CHUẨN NGÀNH 28TCN123: 1998
QUY TRÌNH NUÔI CÁ CHÉP V1 THƯƠNG PHẨM 

Lời nói đầu:
 28 TCN 123: 1998 'Quy trình nuôi cá chép V1 thương phẩm'' do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ đề nghị, Bộ Thuỷ sản ban hành theo Quyết định số: 339/1998/QÐ-BTS ngày 11 tháng 7 năm 1998. 
Quy trình nuôi cá Chép V1 thương phẩm 
The procedure for grow-out selected common carp (V1) 

1. Ðối tượng và phạm vi áp dụng 
- Quy trình này quy định trình tự, nội dung và những yêu cầu kỹ thuật để nuôi cá chép V1 thương phẩm trong ao, áp dụng cho các cơ sở nuôi cá nước ngọt trong phạm vi cả nước.
- Giải thích thuật ngữ cá chép V1 theo 28TCN121:1998. 

2. Nội dung quy trình 
2.1 Sơ đồ quy trình nuôi 
Chuẩn bị ao nuôi --> Thả cá giống --> Quản lý chăm sóc ao --> Thu hoạch

2.2 Ao nuôi 
2.2.1 Ðiều kiện kỹ thuật ao nuôi theo các Mục 2.3.4 và 5 của 28TCN55-79.
2.2.2 Chuẩn bị ao nuôi theo các Mục 13, 14, 15 và 16 của 28TCN 62-79.
2.2.3 Thả giống

2.3 Tiêu chuẩn 
2.3.1 Tiêu chuẩn cá giống Cá chép giống V1 để nuôi thương phẩm phải đạt yêu cầu chất lượng theo quy định của 28 TCN122:1998

 2.3.2 Mùa vụ thả
2.3.2.1 Với cá giống lưu từ năm trước, phải thả giống nuôi vào tháng 2 - 3.
2.3.2.2 Với cá giống sản xuất trong năm, phải thả giống nuôi vào tháng 5 - 6 hoặc tháng 10 - 11.

2.3.3 Mật độ thả
2.3.3.1 Nuôi ghép
Nuôi ghép cá chép V1 trong ao với các loài cá khác là đối tượng nuôi chính (như : mè, trắm cỏ, rôhu, mrigal), mật độ cá chép V1 là 1 cá thể/10 - 20m2.

2.3.3.2 Nuôi đơn
Trong ao nuôi đơn cá chép V1, mật độ thả là 1 cá thể/1,5 - 2,0m2.

2.4 Quản lý chăm sóc
 2.4.1 Cho cá ăn
2.4.1.1 Trong ao nuôi ghép cá chép V1 với các loài cá khác là đối tượng nuôi chính, chế độ bón phân, cho cá ăn theo Mục 8 của 28 TCN 69-79.

2.4.1.2 Trong ao nuôi đơn cá chép V1 a. Loại thức ăn. Trong ao nuôi đơn, cho cá chép V1 ăn bằng thức ăn tổng hợp có hàm lượng đạm tổng số khoảng 20 - 30% và có thể dùng một trong các công thức thức ăn quy định trong Bảng 1.

Nguyên liệu làm thức ăn cho cá phải được nghiền thành bột, trộn đều và ép thành viên. Nếu không có điều kiện ép viên, thì sau khi nghiền nguyên liệu thành bột, có thể trộn đều và cho nước vào nắm thành từng nắm để cho cá ăn ngay. b. Cách cho ăn. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều lúc trời mát. Thức ăn để vào sàn ăn đặt cách đáy ao 10 - 20 cm. Cứ 300 m2 ao, đặt một sàn cho cá ăn.

c. Lượng thức ăn: Lượng thức ăn hằng ngày tính theo khối lượng cá dự kiến có trong ao được quy định trong bảng 2.
2.4.2 Quản lý ao
Buổi sáng hằng ngày, phải kiểm tra quan sát ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng:
- Nếu thấy cá nổi đầu có tiếng động mà không lặn xuống, phải cấp thêm nước mới vào ao cho đến khi cá không còn nổi đầu nữa, đồng thời ngừng bón phân trong một tuần.
- Ðộ sâu nước ao dưới mức quy định, phải kiểm tra bờ, cống tìm chỗ rò rỉ để xử lý rồi cấp thêm nước vào ao cho đạt độ sâu quy định.
- Nếu thấy thức ăn vẫn còn trong sàn cho cá ăn, phải giảm lượng thức ăn cho phù hợp.
- Thường xuyên dọn cỏ, vớt bèo trong ao.
- Bờ ao bị sụt lở, đăng cống hư hỏng, phải tu sửa kịp thời (nhất là về mùa mưa lũ).

2.4.3 Kiểm tra cá
Mỗi tháng kiểm tra cá một lần, xác định khối lượng của 30 - 50 cá thể để theo dõi sinh trưởng của cá và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh trong ao nuôi.

2.4.4 Phòng bệnh
- Ðịnh kỳ 15 ngày khử trùng 1 lần nước ao bằng vôi bột với lượng 1,5 - 2,0 kg/100m2 nước ao.
- Thường xuyên treo túi vôi bột cạnh sàn cho cá ăn với lượng 2 - 4 kg/túi/sàn.

2.5 Thu hoạch 
Thu hoạch cá chép V1 theo Mục 10 của 28TCN 69-79

3. Phụ lục 
Kết quả nuôi thương phẩm cá chép V1 Nếu áp dụng đúng Qui trình kỹ thuật nuôi đơn cá chép V1 thương phẩm, có thể đạt được những kết quả sau:
3.1 Tỷ lệ sống của cá khi thu hoạch: 80 - 90%. 
3.2 Cỡ cá trung bình khi thu hoạch: 0,5 - 0,7 kg/con. 
3.3 Năng suất nuôi bình quân sau 8 tháng nuôi: 2 tấn/ha. 
3.4 Hệ số thức ăn: 2,2 - 2,5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến