Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Mô hình nuôi Tôm Càng Xanh trên ruộng lúa ở Cà Mau

Mô hình nuôi Tôm Càng Xanh trên ruộng lúa ở Cà Mau


Nguồn tin: Báo Cà Mau, 11/07/2011
Ngày cập nhật: 14/7/2011

Mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, nuôi ghép cùng tôm sú đã mang lại hiệu quả cao ở các huyện Thới Bình, U Minh. Để vụ nuôi thành công, bà con cần chú ý những điểm sau.

1. Mùa vụ
Mùa vụ thả nuôi tôm càng xanh ở Cà Mau bắt đầu từ tháng 6 - 7 dương lịch và thời gian nuôi thường từ 5 - 6 tháng. Khi độ mặn trong các vuông, đầm nuôi quảng canh xuống dưới 12‰ thì tôm giống có thể sinh trưởng tốt.


2. Chuẩn bị ruộng nuôi
- Nông dân Thới Bình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho năng suất trên 300 kg/ha.

- Sau khi thu hoạch vụ lúa, tiến hành chuẩn bị ruộng nuôi như: sửa lại bờ ao, lấp các lổ mội, hang cua, sên vét bùn ở các mương bao, ao ương, sau đó bón vôi với liều lượng 150 - 200 kg/ha và phơi ruộng 3 - 5 ngày trước khi lấy nước. Lưu ý ở những ruộng có mương mới đào thì nên rửa phèn 2 - 3 lần trước khi bón vôi và phân.

- Khi ruộng nuôi đã sẵn sàng thì khâu lấy cấp nước cần chú ý mực nước trên mặt vuông từ 30 - 40 cm hay 0,8 - 1 m đối với ao ương và bón 30 kg phân hữu cơ hay 0,5 kg urê kết hợp với 1 kg phân NPK hoặc DAP cho 1.000 m2 để gây màu nước. Sau 3 - 5 ngày nước có màu xanh đậm thì tiến hành thả tôm.

- Ao ương tôm trong 3 tuần đầu thả giống là khâu rất quan trọng cho tỷ lệ đạt đầu con khi thu hoạch. Người nuôi tôm nên dành 10% diện tích bằng cách đắp bờ, dùng lưới mành, tấm ni-lông hay tấm bạt… ngăn một phần mương bao để ương tôm càng xanh bột. Thời gian ương trong 2 - 3 tuần trước khi thả ra ruộng, nhằm hạn chế hao hụt và dễ chăm sóc tôm ở giai đoạn còn nhỏ.

3. Chọn giống
Khâu lựa chọn con giống là rất quan trọng, cần tìm mua con giống chất lượng, với tỷ lệ đực trội hơn cái thì năng suất, sản lượng mới cao. Mật độ nuôi ở mô hình quảng canh không cho ăn là 12.000 con tôm giống/ha, ở mô hình cho ăn dặm từ tháng thứ 3 trở đi thì mật độ 20.000 con tôm giống/ha.

4. Chăm sóc
- Khâu chăm sóc tôm trong suốt quá trình nuôi là rất quan trọng. Trong thời gian ương tôm trong ao vèo cần cho ăn thức ăn có chất lượng cao, như thức ăn công nghiệp, hay bột cá với lượng cho ăn từ 10 - 20% trọng lượng đàn tôm. Mỗi ngày cho ăn 3 lần. Nếu vèo trong ao, không quá 2 tuần thì cho tôm ra ngoài, nếu vèo trong mành thì không quá 4 ngày cho ra ngoài (để tránh tôm ăn thịt nhau). Khi qua tháng nuôi thứ 3 thì cho tôm ăn bằng cách kết hợp rải thức ăn ven bờ và sàng ăn. Số lần cho ăn từ 2 - 4 lần trong ngày. Thức ăn được sử dụng như: cám, gạo, cá phi…; đặc biệt nếu cho ăn con hến tôm sẽ rất mau lớn.

- Lưu ý: Để tôm tăng trưởng tốt thì ở tháng nuôi thứ 3 trở đi, tối thiểu 1 tháng phải thay nước 1 lần để kích thích tôm lột xác, tăng trọng lượng. Nếu nuôi trong ruộng lúa thì không nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất mà sử dụng thuốc trừ sâu sinh học trong quá trình chăm sóc lúa để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi. Nếu có điều kiện nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ mỗi tháng, để tránh các loại nấm, vi khuẩn gây hại cho tôm.

- Khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì tát nước khô mặt ruộng, sau đó tiến hành thu hoạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến