Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Kỹ thuật chăm sóc Cà Phê ra hoa đậu trái

Kỹ thuật chăm sóc Cà Phê ra hoa đậu trái


Kỹ thuật chăm sóc cà phê ra hoa đậu trái by DĐCF | Ky thuat cham soc ca phe ra hoa dau trai
http://giacaphe.com

Hiện nay bà con nông dân đang bước vào giai đoạn tưới nước và kích cà phê ra hoa đợt 2 đồng thời dưỡng lứa trái đợt 1 đã đậu. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm của cây cà phê và có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng và mức độ chín tập trung của cà phê.


- Cây cà phê vối sẽ không ra hoa ở những vị trí mà năm trước đã cho trái, do vậy để năng suất ổn định nhiều công tác tỉa cành rất quan trọng. Cần tỉa bỏ các cành già cỗi để cây nảy những cành mới, những cành mới này sẽ ra hoa vào năm sau. Cần tỉa bỏ các cành mọc trong tán bị che lấp không nhận được ánh sánh mặt trời. Các cành trên đỉnh tán và những cành quá nhỏ quanh trục chính của cây cũng cần tỉa sao cho ánh sáng mặt trời phân bố đều lên các cành để cây có thể ra hoa ổn định qua các năm. Tỉa cành sau khi thu hoạch cũng giúp cho cà phê tập trung dinh dưỡng để phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt.

- Tưới nước có ý nghĩa quyết định để điều khiển cà phê ra hoa, ra hoa tập trung và đậu trái. Thời điểm thích hợp nhất để tưới lần đầu là khi đất đã khô, lá cà phê đã co lại (bắt đầu héo). Lúc này cà phê đã phân hóa mầm hoa, do vậy khi tưới đủ nước cây sẽ bung hoa đồng loạt. Khi tưới lần đầu cần kết hợp bón phân để cung cấp dinh dưỡng, giúp cà phê ra hoa đồng loạt, đậu trái nhiều.

- Loại phân cho mùa khô phải là loại tan nhanh và tỷ lệ đạm và lân cao, kali thấp (NPK 20 – 5 – 6 kết hợp với chế phẩm sinh học TE) là thích hợp nhất. Ngoài ra để hỗ trợ phân hóa mầm hoa và tăng sức sống của hạt phấn, tăng tỷ lệ đậu trái, chống rụng trái bà con nên phun bổ sung phân bón lá có hàm lượng lân và Bo cao đồng thời giàu vi lượng và vitamin như phân bón lá 30 – 10 – 10 kết hợp với chế phẩm sinh học TE và NaturBor.

- Đợt tưới thứ 2 cũng tiến hành khi đất đã khô và lá cà phê có biểu hiện héo. Lượng nước tưới phải đủ ẩm thì cà phê mới bung tiếp đợt hoa thứ 2. Cần phải bón phân đợt 2 kết hợp với tưới bằng cách tưới đủ 1/2 - 2/3 lượng nước cho mỗi bồn để nước ngấm xuống sâu sau đó mới rải phân và tưới tiếp lượng nước còn lại.

- Theo kỹ sư Trương Quốc Huy – Công ty CP Phân bón Bình Điền, loại phân thích hợp nhất cho cà phê trong mùa khô là phân Đầu Trâu Mùa Khô (NPK 20 – 5 – 6 kết hợp với chế phẩm sinh học TE). Trong thực tế một số nông dân đã tưới nước nhưng cà phê không ra hoa như mọi năm, TS. Tôn Nữ Tuấn Nam cho rằng do đặc điểm mùa khô năm 2011 nhiệt độ thấp và ít nắng hơn các năm trước nên nếu bà con căn cứ theo ngày, tháng của các năm trước để tưới thì khả năng đất chưa đủ khô mà cây chưa héo, do đó bà con cần phải dựa vào quan sát đất và cây để quyết định thời điểm tưới cho phù hợp. Ngoài phân bón gốc, bà con có thể bổ sung thêm phân bón lá giàu lân và Bo đã nêu ở trên để kích cây bung hoa mạnh, đậu trái nhiều.

- Một số nông dân tại Gia Lai thường cuốc lớp đất mặt trong bồn (5 - 6cm) để đất nhanh khô và khô kiệt rồi mới tưới nước để cà phê ra hoa mạnh, đậu trái nhiều. Cách làm này sẽ làm đứt bớt rễ non của cà phê và làm đất nhanh khô hơn, cây ra hoa mạnh hơn. Tuy nhiên điều này sẽ lợi bất cập hại vì hoa nhiều, trái nhiều nhưng rễ bị tổn thương và khả năng hút phân bón nuôi quả sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất. Mặt khác việc làm đứt rễ non của cà phê sẽ giúp sâu bệnh tấn công vào rễ mạnh hơn, cà phê bị sâu bệnh nhiều hơn. Ngoài ra biện pháp này chỉ kích thích ra hoa được một vụ, còn cà phê vụ sau chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

- Ông Hoàng Nhất và một số nông dân thị xã Buôn Hồ quan tâm đến vấn đề bón vôi và việc mua vôi của các xe tải bán rong. TS. Tôn Nữ Tuấn Nam cho rằng cây cà phê rất cần vôi, đồng thời đất đỏ bazan tại các vườn cà phê hiện vào loại chua (pH khoảng 4,5), do vậy việc bón vôi cho cà phê là rất cần thiết. Lượng vôi cần bón khoảng 0,5kg/cây và định kỳ 2 năm bón 1 lần là hợp lý. Ngoài vấn đề dinh dưỡng và giảm chua cho đất, vôi cũng là chất sát khuẩn rất tốt nên bón vôi cũng giúp giảm sâu bệnh và ve sầu. Bà con nên chọn mua vôi cũng như mua phân bón ở các đại lý chính thức hoặc các điểm bán có uy tín có địa chỉ cụ thể rõ ràng và cần sự cam kết bảo đảm chất lượng của người bán. Trong trường hợp mua của các xe bán rong, bà con cần kiểm tra thật kỹ độ tơi xốp, độ tan, độ hắc nồng… để đảm bảo hàng đạt chất lượng.

- Tình trạng cà phê to trái nhưng nhân nhỏ mà một số bà con gặp phải có thể là do giống hoặc do phân bón. Nếu trong vườn mà chỉ có một số ít cây bị thì có thể là do giống. Nếu bị cả vườn, phần nhiều là do bón phân không đúng và không cân đối. Đầu mùa mưa quả cà phê tăng nhanh về thể tích nên nếu bón không đủ đạm, hạt sẽ nhỏ. Giai đoạn cuối mùa mưa cà phê tích lũy chất khô về quả nên do vậy nếu thiếu kali mà lại thừa đạm thì quả cà phê sẽ tích nước nhiều nên quả thì to mà nhân lại nhỏ.

- Ngoài ra tình trạng thiếu các chất trung, vi lượng cũng làm cho cà phê bị nhỏ hạt và tỷ lệ quả một nhân nhiều. Theo KS. Trương Quốc Huy, để cà phê đạt năng suất 3 - 4 tấn nhân/ha, cần bón 200 - 400kg Đầu Trâu cà phê mùa khô và 1.500 – 1.700 kg phân NPK 16 – 8 – 16 kết hợp với chế phẩm sinh học TE Đầu Trâu trong mùa mưa. Với mức năng suất cao hơn, cứ mỗi tấn nhân tăng thêm cần tăng lượng phân hơn 1 tấn.

- Để diệt trừ kiến, nhiều bà con dùng thuốc kiến trộn với mỡ rồi bôi lên cây để diệt, điều này tuy diệt được nhiều kiến nhưng theo KS. Nguyễn Hoàng Bảo – Cty Syngenta lại làm cà phê bị tổn thương và nhiễm bệnh nứt thân. Cách tốt nhất là bà con hòa thuốc kiến ra nước và chỉ phun cục bộ chỗ kiến cần diệt, không nên diệt hết kiến vì như vậy sẽ làm mất cân bằng sinh thái, làm ve sầu và sâu bệnh nhiều hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến