Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Thông tin về bệnh gỉ sắt trên Cà Phê

Thông tin về bệnh gỉ sắt trên Cà Phê


Thông tin về bệnh gỉ sắt trên cà phê by DĐCF | Thong tin ve benh gi sat tren ca phe

Đây là bệnh hại chủ yếu và nghiêm trong trên cà phê đặc biệt là cà phê chè (Arabica). Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, đôi khi ở thân và quả. Cây nhiễm bệnh sẽ bị rụng lá, cây kiệt sức, sản lượng kém và nếu nặng có thể gây chết cây.


- Bệnh xuất hiện đầu tiên vào năm 1868 ở Sri Lanca, tại đây bệnh đã làm giảm tới 75% sản lượng cà phê chỉ trong vòng 10 năm (1869 - 1878), đến năm 1890 hầu như phải huỷ bỏ toàn bộ diện tích cà phê để thay bằng cây cao su và cây chè. Sau đó bệnh lan dần sang Châu Phi và các nước khác thuộc Châu Á. Cho đến giữa thế kỷ 20 bệnh đã có mặt ở hầu hết các nước trồng cà phê tại hai châu này.

- Năm 1970 bệnh xuất hiện ở Châu Mỹ tại bang São Paulo của Brasil và lan dần sang các bang khác của Brasil cũng như các nước khác như Paraguay (1972), Nicaragua (1976), Colombia (1983), Cuba (1985). Ở bang Parama của Brasil trong vụ 1973 - 1974 bệnh đã làm giảm 34% sản lượng cho dù 40% diện tích đã được phun thuốc hoá học. Vụ 1989 - 1990, Colombia đã chi 123 triệu USD để phun thuốc cho 250.000 ha cà phê.

- Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện từ năm 1888 và đã gây nhiều thiệt hại. Ở miền Bắc, nhiều đồn điền của Pháp trước kia phải phá cà phê chè và thay bằng cà phê mít. Tại ĐắcLắc bệnh đã huỷ hàng nghìn ha cà phê chè trong những năm 1940 - 1945, chỉ còn khoảng 60 ha, vào năm 1957 toàn bộ diện tich đã phải thay bằng cà phê vối. Trong những năm gần đây, bệnh đã xuất hiện trên cà phê vối vốn được coi là có kháng bệnh gỉ sắt Tỷ lệ cây bệnh khoảng 50% cá biết có khi lên đến 70-85%.

- Bệnh gỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix chuyên ký sinh trên cà phê gây ra. Đầu tiên ở mặt dưới của lá xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng nhạt như những giọt dầu. Sau đó các chấm này lớn dần và từ giữa xuất hiện bột màu vàng cam, đó là bào tử của nấm gỉ sắt. Bào tử chuyển dần sang màu trắng từ trung tâm ra ngoài và cuối cùng vết bệnh có màu nâu như vết cháy. Các vết cháy có thể liên kết với nhau thành vết cháy lớn, dẫn đến cháy toàn bộ lá và rụng. Khi bệnh nặng, cây rụng hết lá và chết.

- Nhiệt độ và mưa là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển của bệnh gỉ sắt. Tại Điện Biên, bệnh phát sinh quanh năm nhưng nặng nhất vào hai thời kỳ tháng 3 - 4; tháng 9 - 11. Mùa thu bệnh phát triển và lây lan nặng hơn mùa xuân. Tại Sơn La, bệnh phát sinh vào tháng 9 - 11 một số ít vào tháng 7 – 8. Tây Nguyên, mưa là yếu tố quyết định sự phát sinh và phát triển của bệnh gỉ sắt. Trên cà phê chè, bệnh phát sinh từ đầu mùa mưa (tháng 4 - 5) và phát triển trong suốt mùa mưa, phát triển mạnh từ tháng 7 - 8 và đạt đỉnh cao vào tháng 9, 10. Trong mùa bệnh, tỷ lệ cây bệnh trên đồng ruộng là 100% và tỷ lệ lá bệnh trên 90%, chỉ số bệnh khoảng 25%. Trên cà phê vối, số cây nhiễm bệnh được chia làm 3 dạng diễn biến: dạng giống như cà phê chè chiếm 10%; dạng diễn biến rất nhẹ, phát sinh từ đầu mùa mưa, tháng 12 mới phát triển mạnh và đạt đỉnh vào tháng 1, tỷ lệ lá bệnh bình quân dưới 40%, chỉ số bệnh dưới 2%, dạng này chiếm khoảng 20% tổng số cây bệnh; dạng phổ biến phát sinh từ tháng 6 phát triển mạnh từ tháng 11, đạt đỉnh vào tháng 12, 1 với tỷ lệ lá bệnh bình quân 80%, chỉ số bệnh từ 2 - 15%, dạng này chiếm 70% tổng số cây bệnh.

- Để phòng trừ bệnh gỉ sắt, hiện đang sử dụng các biện pháp như chọn giống kháng bệnh, ghép chồi và dùng thuốc hoá học. Năm 1978, Viện nghiên cứu cà phê đã nghiên cứu chọn lọc được giống cà phê chè Catimor có khả năng kháng bệnh và hiện đang được trồng trên các diện tich cà phê chè ở Việt Nam. Biện pháp sử dụng chồi của các dòng cà phê vô tính có năng suất cao và khả năng kháng bệnh ghép lên các cây nhiễm bệnh hiện cũng đang được sử dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Dùng các thuốc hoá học như Viben-C 50BTN, Tilt Super 300EC, Anvil 5SC, Dizeb-M45 80WP, Tilt 250EC … phun sớm khi phát sinh bệnh, tiếp theo 3 - 4 lần trong mùa bệnh, mỗi lần cách nhau 3 - 4 tuần lễ và phun vào mặt dưới của lá. Trong mùa mưa cần pha thêm chất dính để tăng độ bám của thuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến