Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng nái đẻ và heo sơ sinh

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng nái đẻ và heo sơ sinh


Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng nái đẻ và heo sơ sinh by C.ty UVVN | Ky thuat cham soc va nuoi duong nai de va heo so sinh

1. Dấu hiệu nái sắp sinh
- Nái sắp sanh thường biểu hiện ăn ít hay không ăn, có tiếng kêu rền của nái sắp đẻ. Nái thường ủi phá nền chuồng (hiện tượng quầng ổ). Để nái ít hao tốn năng lượng do việc quầng ổ, ta nên rải rơm, cỏ khô hoặc bao bố sạch vào chuồng cho nái nằm.

- Nái sắp sinh có thể tăng thân nhiệt, tăng nhịp thở, đi lại không yên trong chuồng, đi phân, đi tiểu nhiều lần (gọi là đi mót) làm cho ô chuồng dơ bẩn. Do đó cần vệ sinh và giữ chuồng luôn khô ráo để tránh nhiễm trùng cho heo con và bộ phận sinh dục heo nái sau khi đẻ.

- Nái sắp đẻ có bộ vú phát triển rõ rệt,các núm vú dài ra, quầng núm rộng. Heo sắc lông trắng thường có quầng núm vú và núm vú màu đỏ hồng, hai hàng vú tạo thành hai bệ sữa chạy dọc đường giữa bụng, có rãnh phân chia rõ rệt giữa hai hàng vú và các vú.

- Khi nặn đầu vú chưa thấy sữa non, chắc chắn nái chưa đẻ trong 4 - 6 giờ sắp tới; nếu sữa non rịn ra đầu vú qua hai lỗ tia sữa, nái sẽ đẻ trong vòng 6 giờ. Khi nặn các đầu vú đều có sữa non vọt thành tia dài, nái sẽ sinh trong vòng 2 giờ sau. Nếu bộ phận sinh dục có nước nhờn màu hồng và những hạt lợn cợn như hạt đu đủ (cứt su do heo con thải ra), nửa giờ sau nái sẽ đẻ. Nếu nái nằm nghiêng một bên, hơi thở đứt quãng, ép bụng, ép đùi, quẩy đuôi rặn đẻ thì chỉ vài mươi giây sau nái sẽ đẻ.

2. Chăm sóc nái đẻ và heo con sơ sinh
- Nơi nái đẻ phải thoáng mát, yên tĩnh. Nhiệt độ cao, hầm nóng, không thông thoáng làm cho nái thở mệt, lười rặn, đẻ chậm gây ngộp thai. Sự ồn ào, lạ người chăm sóc, sự hiện diện của thú lạ như chó mèo có thể làm nái hoảng sợ hoặc hung dữ, ngưng đẻ hoặc đẻ chậm, số heo con chết lúc đẻ tăng.

- Thông thường mỗi 15 - 20 phút nái đẻ 1 con, có khi nái đẻ liên tiếp nhiều con rồi ngưng nghỉ một thời gian. Bình thường, khoảng 3 - 4 giờ nái đẻ hết số con, nhau được tống ra sau cùng. Những nái tống nhau ra hàng loạt sau chót thường ít bị viêm nhiễm đường sinh dục vì lá nhau như là chất “lau rửa” tống khứ chất dịch hậu sản ra khỏi đường sinh dục. Trái lại nái có thai chết trước khi sinh hoặc thai lớn còn nằm trong bọc nhau, thì nái ít rặn, chậm đẻ; những thai này ảnh hưởng xấu đến những thai còn sống bên trong (tăng số heo con ngộp, chết trong lúc sanh: chết tươi).

- Cần cảnh giác các trường hợp nái sinh con nhanh bỗng nhiên ngưng đẻ, cường độ rặn yếu để có biện pháp can thiệp kịp thời tống những thai chết trước khi sinh, cứu sống những thai sống trong bụng nái. Cũng có trường hợp sau khi tống hết số nhau (bằng số con đẻ ra), vẫn còn sót thai. Nguyên nhân do thai này to và cũng do nái mệt, ngủ nên không đẻ ra kịp. Hậu quả là thai chết, thai bị sình thối gây viêm nhiễm trùng nặng cho nái; nái sốt cao, bỏ ăn, mất sữa…; heo con chết vì đói.

- Không nên can thiệp bằng oxytocin khi chưa đẻ con đầu tiên. Nếu cần thiết, nên thăm khám vùng chậu, không nên thọc tay sâu vào bên trong tử cung vì dễ gây nhiễm trùng tử cung. Nếu thọc tay sâu vào tử cung nhiều lần gây rối loạn nhu động, làm đau nái, nái tạm ngưng đẻ một thời gian.

- Nhiều trường hợp nái đẻ mà heo con vẫn còn nằm trong bọc nhau, cần nhanh chóng xé bọc để heo thở, không bị chết ngộp. Sau khi nái đẻ hết con, nhau sẽ tống ra (số lá nhau bằng số con). Nái cho con bú mà đuôi buông thỏng thì xem như không còn sót con, sót nhau. Trái lại, khi cho con bú, nái vẫn còn cong đuôi (đuôi quấn một vòng cong) và quan sát kỹ có thể thấy thỉnh thoảng nái nín thở, ép bụng thì xem như vẫn còn sót con hay sót nhau. Dấu hiệu cong đuôi thường báo hiệu rất chính xác tình trạng sót con, sót nhau. Heo nái đẻ sót con xảy ra nhiều hơn sót nhau so với những thú khác.

- Trong khi đẻ, nhiều nái thường đứng dậy, đi uống nước, hoặc đi phân, đi tiểu, trở thế nằm để tiếp tục đẻ. Nguyên nhân có thể do thai phân bố hai bên sừng tử cung. Do vậy khi thấy nái đẻ một số con rồi ngưng nghỉ, ta nên nhẹ nhàng đỡ nái đứng dậy đi một vòng và tác động các vú đối diện để cho nái trở bề nằm (nếu muốn nái nằm bên phải thì xoa nắn bệ vú, hàng vú bên trái và ngược lại).

- Trước khi nái đẻ cần vệ sinh sạch sẽ vùng hội âm (quãng giữa âm hộ với hậu môn). Vùng này thường có nhiều nếp gấp, da chết, tích tụ chất bẩn hoặc phân dính, chúng dễ vấy nhiễm vào âm đạo khi can thiệp móc thai. Nên cắt sạch lông đuôi để tránh tình trạng nái quẩy đuôi khi rặn đẻ làm văng và phát tán dịch nhày (sản dịch), hoặc dịch hậu sản, hoặc mủ (khi bị viêm đường sinh dục). Việc cắt lông đuôi cũng có lợi cho chủ nuôi đoán biết khoảng cách giữa hai lứa đẻ của nái (lông đuôi dài ra thì khoảng cách giữa hai lứa đẻ dài và ngược lại). Một số trại, chủ trương cắt đuôi heo nái; như vậy khó phát hiện tình trạng sót con, sót nhau sau khi đẻ.

- Chuồng trại hầm nóng, heo nái thở mệt, ít rặn đẻ. Chống nóng cho nái bằng cách lau khăn mát nhiều lần, chườm lạnh vùng đầu, hoặc điều chỉnh bầu tiểu khí hậu nếu có điều kiện, nhờ đó có thể giúp nái đẻ nhanh, ít gây chết thai. Một số nái sắp đẻ thường bị sưng phù âm môn rất nặng và nếu nái rặn đẻ quá mạnh hoặc dùng thuốc kích thích rặn đẻ, có thể gây vỡ âm môn, chảy máu; cần có biện pháp cầm máu kịp thời (dùng kẹp kẹp mạch máu và chỉ cột mạch máu), tránh tử vong cho nái.

- Sau khi đẻ, heo sơ sinh được xách dốc ngược đầu cho nước nhờn trong xoang miệng và mũi chảy ra ngoài, không chảy ngược vào khí quản gây nghẽn đường thở. Việc xách dốc ngược cũng giúp máu dồn về não ở những con bị ngộp nhờ đó não không bị liệt. Nên nắm chặt cuống rốn, tránh chảy máu sau khi cuống rốn đứt rời cuống nhau (lá nhau còn nằm trong bộ phận sinh dục nái). Nên quan sát kỹ để phát hiện tình trạng heo con bị ngộp như da tím tái, giãn cơ, heo mềm nhũn không cử động. Gặp trường hợp này phải nhanh chóng dùng khăn sạch lau móc nhớt trong xoang miệng, mở rộng miệng và dùng tay bóp lồng ngực 60 lần/phút để tạo sự thông khí phổi. Có thể tác động như thế trong vòng 15 - 20 phút kết hợp với việc lau, mở rộng miệng mỗi 2 - 3 phút/ lần, heo con có thể hồi phục; nên dành thời gian chăm sóc những con kế tiếp.

- Khi thấy heo con bắt đầu loi nhoi cử động, ta tiến hành lau sạch chất nhày toàn thân, cột rốn cách thành bụng 4 cm và cắt rốn cách chỗ cột 1 cm. Chỉ cột rốn và kéo cắt rốn phải được sát trùng cẩn thận. Sau khi cắt rốn phải kiểm tra xem có rỉ máu vì cột rốn không chặt. Nhúng rốn vào dung dịch cồn iốt 5% để sát trùng. Heo sơ sinh được cắt bỏ 8 răng nhằm tránh gây đau vú mẹ khi bú.

- Có thể không cột và cắt rốn nếu nhúng rốn bằng bột ủ úm. Bột này cũng được dùng sát trùng âm hộ nái sau đẻ, nhúng toàn thân heo con để giữ ấm (trừ phần đầu).

- Nên úm heo con sơ sinh nếu nhiệt độ bên ngoài lạnh nhằm tránh tình trạng heo con tiêu hao nhiều năng lượng để chống lạnh. Nhiệt độ úm khoảng 30 – 33 độ C. Ta nên cho heo con bú ngay khi chúng ủi nhau tìm bú vì heo con bắt đầu đói. Không nên giữ lâu trong ổ úm, chúng có thể bú rốn lẫn nhau gây nhiễm trùng rốn hoặc tuột chỉ cột rốn, gây chảy máu nguy hiểm cho con bú rốn và con bị bú rốn. Khi heo con trong ổ úm tản ra nghĩa là nhiệt độ úm cao, nên hạ nhiệt độ.

- Nên làm vệ sinh kỹ các vú. Mỗi vú thường có hai lỗ tia sữa. Các lỗ này thường ứ đọng các chất bẫn hoặc phân. Nơi đây chứa nhiều mầm bệnh, cần cạy bỏ và nặn bỏ vài tia sữa đầu. Lau sạch vú bằng thuốc sát trùng nhẹ trước khi cho heo con bú. Hiện nay có những chế phẩm gamma globulin dùng cho heo con sơ sinh uống để tăng cường miễn dịch chống bệnh.


- Cho heo con bú sớm cũng kích thích nái đẻ tiếp những con còn trong bụng. Những kích thích của heo con ở đầu vú sẽ dẫn truyền về não, não thùy tiết ra hormon prolactin (tạo sữa) và oxytocin (giúp thải sữa). Chính oxytocin đến thành tử cung sẽ kích thích co bóp và đẩy bào thai còn lại ra ngoài. Nên lót rơm cỏ sạch, hoặc bao bố cho heo con nằm bú nhằm tránh lạnh bụng và trầy xước cuống rốn, cổ chân trước của heo con sơ sinh.

- Có thể sử dụng một số chế phẩm xịt để bảo vệ đầu núm vú hoặc mặc áo cho heo con cái dự kiến chọn làm giống hậu bị sau này.

- Nên làm vệ sinh chuồng trại kỹ lưỡng sau khi nái đẻ xong. Cần giữ ấm cho heo con (cho bú xong nên nhốt vào ổ úm) ít nhất trong vòng 3 - 7 ngày. Nên cho bú từng cữ cách nhau mỗi 1 giờ rưỡi đến 2 giờ và tránh tình trạng nái bị mệt đè đạp con. Riêng đối với nái cũng cần giữ cho thoáng mát, tránh nóng, tránh lạnh, tránh gió lùa mưa tạt. Một số nơi đã nhập tấm sưởi giúp giữ ấm cho heo con tốt hơn đèn dây tóc, đèn hồng ngoại.

- Phải cho tất cả heo con bú được sữa đầu (colostrum) vì sữa đầu chỉ sản xuất trong khoảng 24 giờ sau khi nái đẻ và heo con chỉ hấp thụ sữa đầu tốt nhất trong 24 giờ sau khi sinh. Sữa đầu thường đậm đặc hơn sữa thường, chứa nhiều sinh tố A, nhiều protein mà đặc biệt là gamma globulin (kháng thể) của mẹ để truyền cho heo con, giúp heo con kháng bệnh trong thời kỳ bú mẹ, trong khi khả năng sản xuất kháng thể heo con còn yếu, chưa hoàn thiện. Vì vậy trong 24 giờ đầu ngoài việc cho heo con bú được sữa đầu, cần hạn chế tối đa sự nhiễm trùng cho heo con. Đây là giai đoạn tranh đua giữa sự hấp thu kháng thể để bảo vệ heo con chống bệnh và chống nhiễm trùng. Nếu sự hấp thu kháng thể nhanh mà sự xâm nhiễm mầm bệnh chậm thì heo con có sức đề kháng bệnh. Ngược lại sự nhiễm khuẩn diễn ra nhanh hơn sự hấp thu kháng thể, sức khỏe của heo con bị đe dọa. Heo sơ sinh có thể chết hàng loạt vì nhiễm trùng trong những giây phút đầu của tuần lễ đầu sau khi sinh.

- Những vú ngực của nái thường có khả năng tiết sữa tốt. Những vú áp chót thường có sữa lúc đầu rồi sau đó ngưng tiết sữa. Vú chót thường sản xuất nhiều sữa nhưng dễ bị viêm, nhất là sau khi cai sữa. Heo con nhỏ vóc khi bú những vú nhiều sữa thì mau lớn, nhưng chúng tiêu thụ sữa không nhiều, nên sữa còn sót lại trong núm vú gây viêm vú dẫn đến kém sữa hoặc bẹt sữa ở các lứa đẻ sau.

- Cho heo con bú từng cữ cũng có lợi là đánh thức chúng, tránh tình trạng nái nhiều sữa heo con bú no, ngủ nhiều. Vì khoảng cách giữa hai lần bú xa nhau, heo con không bú hết sữa mỗi lần nái xuống sữa. Sữa ứ đọng trong vú tạo điều kiện cho vi khuẩn từ môi trường xâm nhiễm và phát triển gây viêm vú và làm rối loạn tiêu hóa heo con. Vì vậy những nái có khả năng sinh sữa nhiều, khoảng cách giữa hai lần bú khoảng 1 giờ là tốt. Heo con bú nhiều cữ trong những ngày đầu cũng kích thích nái tiết nhiều oxytocin để co bóp tử cung, tống các sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Tình trạng ứ đọng những chất dịch dễ gây viêm đường sinh dục, nhất là vòi trứng, cổ tử cung bị viêm tắc nghẽn, nái bị vô sinh sau này.

Bài viết đã được mua tác quyền từ tác giả, bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn: Th.s Võ Văn Minh Th.s Bùi Thị Kim Phụng – ĐH Nông Lâm TP. HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến