Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Ứng dụng BMP trong nuôi cá Tra thương phẩm

Ứng dụng BMP trong nuôi cá Tra thương phẩm


Ứng dụng BMP trong nuôi cá tra thương phẩm by C.ty UVVN | Ung dung bmp trong nuoi ca tra thuong pham

1. Tìm hiểu vể BMP
- Định nghĩa BMP: BMP là từ viết tắt của Better Management Practices tạm dịch Thực hành nuôi tốt hơn là một bộ hướng dẫn về quản lý, không phải là tiêu chuẩn. BMP dễ áp dụng và không tăng chi phí. Từ “tốt hơn” ám chỉ rằng BMPs luôn tiến triển, không hạn chế việc thay đổi theo hướng tích cực và cải thiện những nội dung cần thiết theo sự phát triển của nghề nuôi.


- Những lợi ích khi áp dụng BMP:
+ Giảm thiểu sự xuất hiện của bệnh.
+ Cải thiện tốc độ tăng trưởng.
+ Giảm bớt chi phí nuôi.
+ Cải thiện điều kiện môi trường nuôi và giúp hạn chế tối đa tác động của nghề nuôi lên môi trường xung quanh.
+ Đạt được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
+ Cũng cố mối quan hệ với cộng đồng địa phương qua nhận thức về bảo vệ môi trường.
+ Tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
+ Tạo thuận lợi trong việc duy trì sự bền vững.

- Việc áp dụng BMP chứng minh đã mang lại hiệu quả cao cho hệ thống nuôi, ví dụ rõ nhất qua sự phục hồi và phát triển nghề nuôi tôm ở Ấn Độ. Trong trường hợp này, không chỉ một nông dân đơn lẻ áp dụng BMP mà còn là hoạt động của cả tập thể thông qua việc hình thành các nhóm/hội giúp họ cải thiện năng suất và dịch bệnh giảm nhiều nên lợi nhuận tăng.

- BMPs khác như thế nào với những thông Khuyến nông – Khuyến ngư được phổ biến với người nông dân: BMP là một biện pháp nuôi được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học về đánh giá thực trạng và phân tích rủi ro. Các biện pháp làm giảm yếu tố rủi ro được xem là BMP. Những biện pháp dùng trong khuyến nông khuyến ngư thường chỉ tập trung vào các phương pháp giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Còn BMP có mục tiêu chung là tăng cường trách nhiệm và vì một ngành thủy sản phát triển bền vững, chứ không chỉ đơn thuần tăng năng suất. Chính vì vậy, BMP có thể giúp người sản xuất tạo ra những sản phẩm hàng hóa theo chiều hướng bền vững hơn và luôn xem xét tới các khía cạnh môi trường và kinh tế xã hội.

- BMPs thường là tự nguyện, nhưng có thể được sử dụng làm cơ sở của những quy định tại địa phương hoặc thậm chí đáp ứng và tuân theo các tiêu chuẩn của chương trình đã được chứng nhận: Ứng dụng BMP, theo những kết quả nghiên cứu khoa học và sự đồng thuận của các bên liên quan, là một phương pháp lôgíc nhất để giải quyết những thách thức nói trên, đồng thời bảo đảm tính bền vững của ngành nuôi cá tra và môi trường không bị xuống cấp - vấn đề thường được đề cập sau khi ứng dụng BMP. Thêm vào đó, kinh nghiệm một vài nơi áp dụng BMP thông qua các tổ chức nhóm người nuôi thủy sản và câu lạc bộ thủy sản hoặc các tổ chức xã hội tương đương cho thấy hiệu quả thu được cao hơn và khả năng thương lượng tốt hơn, đặc biệt trong việc mua bán (chẳng hạn như thức ăn), thị trường (chẳng hạn như thương lượng với các nhà chế biến hay các nhà nhập khẩu), đem lại sự ổn định cho môi trường và sử dụng hợp lý nguồn nước và quan trọng hơn là góp tiếng nói chung cho cộng đồng.

2. Các bước thực hiện BMP cho nuôi cá thương phẩm
- Bước 1: Xử lý đáy ao: Hút sạch bùn đáy ao, phơi đáy (nếu có thể). Bùn nên đưa vào nơi riêng hay ủ để làm phân bón.

- Bước 2: Bón vôi: Xử lý vôi nung (10-15kg/100m2) và muối (4-6 kg/100m2).

- Bước 3: Nước cấp vào ao: Nước cấp nên qua ao/kênh xử lý lục bình trước khi cấp vào ao nuôi.

- Bước 4: Chọn giống: Con giống phải đồng cỡ, màu sáng, bơi lội khỏe mạnh và không dị hình. Kích thước cá giống 1,7 - 2,2cm (chiều cao thân) tương đương 12,5 - 28,5g.

- Bước 5: Vận chuyển cá giống: Bỏ đói cá ít nhất 24 giờ trước khi vận chuyển. Vận chuyển vào thời điểm mát. Thời gian không quá 6 giờ.

- Bước 6: Luyện cá giống và thả giống: Thả giống sau khi cấp nước 5 - 7 ngày. Xử lý muối trước khi thả giống vào ao.

- Bước 7: Mật độ thả: Nên nhỏ hơn 60 con/m2.

- Bước 8: Thay nước: Nước cấp và thải nên qua hệ thống xử lý trước khi cấp vào ao hoặc thải ra môi trường.

- Bước 9: Quản lý chất thải: Tháng thứ 3 trở đi, hút bùn đáy ao. Bùn phải được giữ trong các ao chứa/ao xử lý hoặc bón cho ruộng lúa.

- Bước 10: Cải thiện chất nước ao nuôi: Có hệ thống sục khí đáy ao và vận hành vào ban đêm.

- Bước 11: Kiểm tra chất lượng nước ao và ghi chép số liệu: Hàng ngày theo dõi các chỉ tiêu môi trường: nhiệt độ, pH, ammonia được đo và ghi chép hàng ngày.

- Bước 12: Quản lý thức ăn khi cá bị “vàng toàn thân”: Khi cá bị vàng thân thì ngưng cho ăn, mổ cá quan sát, kiểm tra thức ăn.

- Bước 13: Chọn mua thức ăn và bảo quản: Kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn, thức ăn phải để cách mặt đất 20cm, thức ăn chỉ dùng trong vòng 2 ngày sau khi đã mở bao bì.

- Bước 14: Cho ăn: Cho ăn 2 lần/ngày, cho ăn đều và chậm.

- Bước 15: Quản lý sức khỏe cá: Theo dõi các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, mưa... dẫn đến làm thay đổi chất lượng nước và thực hiện biện pháp cải thiện chất lượng nước thích hợp nhằm làm giảm ảnh hưởng đến cá nuôi.

- Bước 16: Quản lý cá bệnh, cá chết: Quan sát các dấu hiệu bất thường của cá và có các biện pháp xử lý kịp thời. Nên vớt cá chết ra khỏi ao và có hố xử lý cá chết. Không bán cá bệnh cho các những người nuôi cá khác.

- Bước 17: Thu hoạch: Ngừng cho ăn 2 - 3 ngày trước khi thu họach. Thời gian không quá 7 ngày.

* Thông tin: Kết quả áp dụng BMP trên một số ao nuôi ở An Giang cho thấy, khi thả mật độ nuôi thấp thì hệ số thức sẽ giảm. Áp dụng biện pháp cho ăn cách ngày tức là một ngày cho ăn và một ngày không cho ăn thì hệ số thức ăn thấp nhất là 1,47.

Bài viết đã được mua tác quyền từ tác giả, bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ: Ts. Bùi Minh Tâm - Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến